Trong quá trình làm bờ bao để xây dựng tầng hầm thuộc tòa nhà văn phòng Phát Đạt ở số 39 Phạm Ngọc Thạch, đơn vị thi công đã công khai đập bỏ 2 bức tường ngăn hẻm, thậm chí tranh thủ thi công vào ban đêm để “lén lút” xây lấn chiếm sang phần đất của 2 con hẻm 39 và 41, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Ngày 27/10, hàng chục hộ dân tại hẻm 39 và 41 (đường Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã gửi đơn đề nghị UBND quận 3, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vào cuộc làm rõ, xử lý chủ đầu tư công trình tòa nhà văn phòng Phát Đạt ở số 39 Phạm Ngọc Thạch, vì có hành vi xây dựng lấn chiếm 2 tuyến hẻm dân sinh, đập bỏ 2 bức tường ngăn hẻm, thi công bất chấp ngày đêm…ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần của người dân.
Bức tường hẻm 41 nham nhở khi đang bị đơn vị thi công dự án công trình tòa nhà văn phòng Phát Đạt đập bỏ dở dang
Theo đó, các hộ dân cho biết, giữa 2 con hẻm 39 và 41 là lô đất số 39, được ngăn cách với khu dân cư bằng 2 bức tường có chân đế rộng hơn 30cm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong quá trình xây dựng công trình tòa nhà số 39, do Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công đã đập bỏ bức tường ngăn cách giữa lô đất với khu dân cư và thi công vào đêm khuya, xây lấn chiếm sang phần đất của 2 tuyến hẻm. Sau khi được người dân phát hiện, đơn vị thi công đã rọc cắt phần bê tông lấn sang hẻm dân sinh mỗi bên hơn 30cm.
“Phần đất của hẻm 41 và vách tường của hẻm đã có từ thời Pháp thuộc và là ranh giới giữa hẻm 41 với đất địa chỉ số 39. Hồ sơ ranh giới này đã được lưu trữ lại từ thời Pháp thuộc và các văn bản quy hoạch trước đây” – chị T.T.Y.L., cư dân ở hẻm 41 (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Bức tường hẻm 41 khi đã bị đập bỏ hoàn toàn
Đặc biệt chị T.T.Y.L. khẳng định, trước khi Công ty Phát Đạt xây dựng tòa nhà văn phòng Phát Đạt, lô đất số 39 đã qua nhiều đời chủ. Tuy nhiên, khi thi công, các chủ trước vẫn phải xây dựng 1 bức tường khác bên trong bức tường của hẻm 41, trên tinh thần tôn trọng và không xâm phạm đời sống, quyền lợi của người dân bên trong con hẻm này. Vì vậy, từ trước đến này chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và chủ lô đất số 19. Những bất hoà chỉ thực sự xảy ra khi Công ty Phát Đạt xuất hiện.
“Trái ngược với các chủ đất trước, Công ty Phát Đạt không chỉ đập tường, mà còn lén lút thi công vào ban đêm để cắt rọc phần bê tông mặt đường hẻm. Sau khi bị người dân phát hiện thì phía đơn vị thi công đã hoàn thành việc đổ bê tông lấn hẻm số 39, còn tuyến hẻm số 41 phần cắt rọc mặt đường bê tông cũng xong. Vì vậy, chúng tôi không còn cách nào khác, buộc phải báo lên chính quyền địa phương để sớm có động thái ngăn chặn” – chị T.T.Y.L. kể lại.
Chị T.T.Y.L. chỉ ranh giới mà công trình Phát Đạt tự ý cắt làm dấu lấn hẻm dân sinh 50cm
Cụ thể, ngày 3/11, Ban tiếp công dân quận 3 đã có văn bản gửi UBND phường Võ Thị Sáu đề nghị phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quân 3 phối hợp giải quyết những phản ánh của người dân.
Đến ngày 11/11, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục có văn bản gửi cho các hộ dân về việc UBND quận 3 và UBND phường Võ Thị Sáu đang giải quyết vụ việc. Theo đó, Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị tạm dừng thi công và kiểm tra xác định ranh đất.
Song, bất chấp những chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng, ngày 20/11, đơn vị thi công vẫn ngang nhiên cho đập phá bức tường ranh để chiếm đất hẻm chung xây nhà. Phải đến khi người dân phản đối kịch liệt, thì đơn vị thi công mới chịu trả lại phần đất lấn chiếm, đồng thời xây dựng lại bức tường tạm bằng tôn.
Sau những phản ứng gay gắt của người dân, đơn vị thi công trình Phát Đạt buộc phải làm lại bức tường tạm bằng tôn, thay cho bức tường hẻm kiên cố ban đầu
Ngày 10/12, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông L.T.Đ., cư dân hẻm 39 (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng bức tường tạm sẽ ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân trong 2 con hẻm. Đặc biệt là vấn đề an ninh, ngăn chặn trộm cắp khi thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến rất gần.
“Chúng tôi, hàng chục hộ dân sinh sống lâu năm trong hẻm 39 và 41 khẩn thiết mong chính quyền vào cuộc, yêu cầu Công ty Phát Đạt xây trả lại phần tường rào hẻm kiên cố nhằm bảo vệ an toàn cho gia đình, con em chúng tôi. Đồng thời, ngăn chặn chủ đầu tư thực hiện việc mở cửa ra vào bên hẻm 39 và 41, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, không thông cống, không mở đường ống nước cấp và nước thoát, trong quá trình thi công phải có lưới bảo vệ che chắn nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân khi đi lại bên trong hẻm…” – ông L.T.Đ. nói.
Phần cổng dẫn vào con hẻm 41 cũng bị phía công trình Phát Đạt đập bỏ, sau đó xây lại, nhưng theo người dân chiếc cổng mới mang tính tạm bợ
Cũng trong tâm trạng lo lắng, ông P.H.V. (chủ hộ 41/2, hẻm 41, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) kể lại, có những hôm công trình tòa nhà văn phòng Phát Đạt đang thi công ban đêm, thì cùng lúc nhà ông bị rung lắc nhẹ ở phòng bếp và phòng ngủ.
“Không chỉ gây ra nhiều khói bụi, tiếng ồn…thi công tầng hầm của dự án ở lô đất số 39 đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhà của chúng tôi, hiện tại là tình trạng rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi lo sợ tường nhà sẽ bị nứt. Với diện tích xây dựng (tại tầng 1) chỉ có hơn 396m2, nhưng lại được cấp phép xây dựng đến 4 tầng hầm, điều này có hợp lý hay không? Có đảm bảo cho các công trình nhà cửa xung quanh hay không? Chưa kể, nhà cửa xung quanh đây đều bị khống chế chiều cao 10 tầng, nhưng dự án của Phát Đạt lại được xây đến 12 tầng?” – ông P.H.V. thắc mắc.
Công trình thi công ngày đêm, gây ra nhiều tiếng ồn, bụi bẩn…ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần của người dân trong khu vực
Theo tìm hiểu, Công ty Phát Đạt được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cấp Giấy phép xây dựng số 73/GPXD ngày 5/7/2021, để xây dựng Nhà văn phòng tại địa chỉ 39 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh (thuộc thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 7; Diện tích khu đất: 673,5m2).
Theo đó, dự án được duyệt diện tích xây dựng (tại tầng 1) là 396,44m2. Tổng diện tích sàn xây dựng là 6.815,7m2; Số tầng: 4 tầng hầm + 12 tầng (kể cả tầng lửng và tầng sân thượng có bộ phận kỹ thuật); Chiều cao công trình: 43m; Chiều sâu công trình: -14,4m;…
Đồng thời, Sở Xây dựng yêu cầu, chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các chủ sở hữu liền kề. Do công trình xây dựng có tầng hầm, chủ đầu tư cũng phải đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng theo qui định tại Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 5/11/2016 của UBND TP.
Nếu có sự tranh chấp khiếu nại về ranh nhà, đất chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp ranh khu đất hoặc khoảng cách đến các công trình lân cận có thay đổi, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép xây dựng cho phù hợp.
Đến đây, có thể thấy, khi cấp Giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã nêu rõ nhưng yêu cầu mà chủ đầu tư buộc phải đảm bảo nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công trình lân cận.
Như vậy, việc đơn vị thi công dự án của Công ty Phát Đạt đập tường ngăn của hẻm 39 và 41 có đúng theo quy hoạch hay không?
Theo Tiêu Dùng