Ôm mộng giàu nhanh nhờ buôn đất: Vợ chồng Hà Nội 9 năm “còng lưng” trả nợ; Dân đầu cơ ầm ầm cắt lỗ, chủ dự án vẫn hô tăng giá… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Ôm mộng giàu nhanh nhờ buôn đất: Vợ chồng Hà Nội 9 năm “còng lưng” trả nợ
Câu chuyện của anh Minh Hưng (43 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Cách đây 2 tháng, anh Hưng mới trả xong số tiền vay nợ lên tới cả tỷ đồng khi liều mình đầu tư trong cơn sốt đất năm 2011.
Những trường hợp giàu lên nhanh chóng nhờ đầu tư đất khiến anh Hưng “đứng ngồi không yên”. Để dành được 600 triệu đồng tiền tiết kiệm, anh nôn nóng về bàn với vợ vay thêm tiền người quen, thử đầu tư bất động sản.
Chưa có kinh nghiệm, cũng như không am hiểu thị trường nhưng người đàn ông này lại quá chủ quan, chỉ tin vào lời môi giới của các “cò” đất. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 5-6 thị trường bất động sản ở Hà Nội đã đi theo chiều ngang, giá đất đứng yên.
Tiếp đó, đến tháng 9/2011 thì “lao dốc” tự do, giá giảm từ 20-60%, giao dịch trên thị trường không có. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu “tháo chạy” ào ào khỏi thị trường, cắt lỗ, bán dưới giá gốc để mong thu hồi vốn nhưng giao dịch vẫn vô cùng ảm đạm.
Dân đầu cơ ầm ầm cắt lỗ, chủ dự án vẫn hô tăng giá
Tại thị trường Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản đang có kế hoạch tăng giá . Dự án chung cư tại khu vực phía Tây Hà Nội, chủ đầu tư đã tăng giá bán 10% so với thời điểm trước Tết. Một nhân viên môi giới tên Tuấn cho hay, dự án rất “hot” nên giá tăng, những ai mua trước đó giờ có thể có lời.
Tương tự, một dự án khác ở trung tâm, nhân viên của sàn cho hay, giá thị trường đã tăng ngay sau khi hết cách ly, hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Thời điểm này, nếu không mua thì cuối năm sẽ có thêm một đợt tăng giá mới.
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý 2 được ghi nhận trung bình ở mức 1.379 USD/m2 (khoảng 31,7 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT), tăng 3% theo năm. Các sản phẩm chung cư trung cấp tại các dự án khu đô thị mới có mức giá chào bán cao hơn theo thời gian.
Cải tạo chung cư cũ ở TPHCM: Vì sao các doanh nghiệp bỏ chạy?
Theo các DN, việc cải tạo, xây mới các dự án chung cư cũ bị chậm là phần lớn chung cư cũ có diện tích đất nhỏ nhưng dân số lại đông nên rất khó sinh lời.
Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc kinh doanh của Công ty Tecco nói rằng, thực tế không dễ dàng đạt được tỉ lệ 100% người dân đồng ý khi cải tạo chung cư cũ. Chủ đầu tư bị áp lực rất lớn và mất nhiều thời gian khi chưa thỏa thuận được phương thức bồi thường cụ thể với tất cả chủ sở hữu. Vì thế, với nhiều chung cư cũ, việc thỏa thuận bồi thường để đạt 100% kéo dài từ 5-10 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA): Nhiều năm trước, các chung cư cũ đều có chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì thời gian chờ đợi việc di dời người dân quá lâu, nên doanh nghiệp đành bỏ đi.
Các huyện Hà Nội sắp lên quận: Người dân cần thận trọng với “sốt đất” ảo
Theo ghi nhận của PV, “ăn theo” các thông tin huyện sẽ được chuyển lên quận, giới đầu tư và “cò” bất động sản trên các địa bàn nói trên hoạt động không ngơi, săn lùng các nhà phố, đất nền, thổ cư thậm chí cả đất ruộng khiến mọi thứ đang bình yên bỗng nhiên náo loạn.
Một văn phòng môi giới nhà – đất tại thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) cho biết, giao dịch bất động sản tại đây đang tăng chóng mặt. Hiện giá đất nền tại khu Kim Chung – Di Trạch đang được rao bán trên 50 triệu đồng/m2. Theo nhân viên môi giới bất động sản, giá đất còn tăng từng ngày, nên mua ngày nào biết giá ngày đó.
Khảo sát thêm thông tin từ nhiều văn phòng nhà – đất ở Hoài Đức cũng cho thấy, hiện tại, giá đất thổ cư tại những khu vực thuộc An Khánh, An Thượng, Vân Canh giá cũng tăng bất thường. Riêng những khu đất đẹp có giá bán lên đến trên 80 triệu đồng/m2.
Nguyễn Khánh