Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Trong đó du lịch, nghỉ dưỡng là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết tính chung trong 9 tháng của năm 2020, cả nước chỉ ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm Condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.
Trước nhiều bất cập, biến tướng của các loại hình bất động sản căn hộ lưu trú/căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng/ biệt thự du lịch (resort villa), nhà ở thương mại liền kế (shophouse), mới đây, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu quản chặt việc đầu tư xây dựng các dự án này. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về quy chế quản lý, kinh doanh loại hình condotel, resort villa. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Bộ Xây dựng cũng có văn bản ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho một số loại hình bất động sản mới này.
Trong quý tiếp theo nguồn cung mới BĐS nghỉ dưỡng có thể sẽ tăng, đạt mức 700 – 800 căn condotel, 600 – 800 căn biệt thự biển. Dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc và Quảng Nam. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa có sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn. Loại hình nhà phố/shophouse biển có thể hồi phục tích cực trong thời gian tới.
Lý giải về tình trạng èo uột này các chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng cùng với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, khung pháp lý cho loại hình Condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Cũng phải kể đến những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án Du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian qua.
Trong khó khăn vẫn xuất hiện điểm sáng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là giai đoạn cuối tháng 9/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,… Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.
Ở phân khúc nghỉ dưỡng, biệt thự, nguồn cung và sức cầu tăng nhẹ. Theo đó, thị trường đón nhận 3 dự án mở bán, cung ứng 152 căn biệt thự biển, tăng 19% so với quý trước và tăng 77% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 39% nguồn cung mới (khoảng 59 căn), tăng 4.5 lần so với quý 2 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành các công trình có các loại hình BĐS nói trên tại các địa phương đã tồn tại một số bất cập, như: Có đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã xác định chức năng condotel, office-tel, biệt thự nghỉ dưỡng nhưng chưa tính toán cụ thể về dân số;
Vướng mắc, bất cập trong vận hành, quản lý sử dụng toà nhà có chức năng condotel, office-tel do có nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng; thiếu quy định pháp lý ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa nhà đầu tư ban đầu và nhà đầu tư thứ cấp; địa phương lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu cho condotel, office-tel, biệt thự nghỉ dưỡng…
Ngoài ra, khi kinh doanh gặp khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi loại hình condotel, office-tel sang căn hộ ở, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực. Do đó, cuối tháng 9/2020 Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị các địa phương khi xem xét, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng… cho các dự án đầu tư xây dựng có bố trí condotel, office-tel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.