Cơn sốt lan đột biến bắt đầu vào những tháng cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh chứng khoán, bất động sản, lan đột biến được không ít người coi là kênh đầu tư trong mùa dịch khi lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm.
Một thành viên của Hội sinh vật cảnh Hà Nội từng cho rằng, thời gian giãn cách xã hội chính là tiền đề để thị trường lan đột biến phát triển, một phần là do người chơi có thêm nhiều thời gian ở nhà chăm sóc cây và mang “siêu phẩm” khoe trên mạng. Nhờ đó mà vòng buôn bán lan đột biến được mở rộng và tăng độ tiếp cận đến đông đảo mọi người. Mặt khác, sau dịch Covid-19, nhiều ngành nghề còn đình trệ nên việc chuyển dịch đầu tư sang một vài lĩnh vực khác là điều dễ hiểu. Không những thế, giới chơi lan đa phần đều là những người có điều kiện và làm kinh doanh. Thế nên câu chuyện rót vốn vào một ngành mới có tiềm năng là không có gì bất ngờ.
Đầu tháng 4, giới sinh vật cảnh miền Bắc được phen xôn xao khi anh N.V.S. (Vĩnh Phúc) lên mạng kêu cứu khi bị lừa 10 tỷ đồng mua lan đột biến giả. Anh S. cho biết, thấy thị trường lan đột biến đang “sốt”, anh đã đi vay nặng lãi gần 10 tỷ đồng để đầu tư “lướt sóng”. Thông qua mạng xã hội, anh S. đã mua nhiều kie lan với giá vài chục triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng về không lâu, anh phát hiện toàn bộ số kie trên không phải lan đột biến. Sau đó, anh đã tìm cách liên hệ, khiếu nại đến nhà vườn nhưng các đối tượng bán lan đã cao chạy xa bay.
Cùng thời điểm đó, cộng đồng chơi lan đột biến cũng rộ lên thông tin chủ một vườn lan H.T ở xóm chợ Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) “ôm” 200 tỷ đồng của khách đặt hoa rồi bỏ trốn. Ngay sau đó, Công an huyện Ứng Hòa đã tiếp nhận đơn trình báo của 3 công dân phản ánh về vụ việc trên. Theo trình báo, 3 cá nhân trên đã chuyển tiền cho chủ vườn lan H.T để mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các cá nhân này không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng.
Mạng xã hội chính là nơi khiến lan đột biến trở nên nổi tiếng hơn và tạo thành cơn sốt trên khắp các diễn đàn, hội nhóm. Thậm chí, những cuộc giao dịch lan đột biến còn được tung hô, chia sẻ rầm rộ trên mạng, bên cạnh những ý kiến phản bác về chiêu trò làm giá, có mục đích phía sau. Cụ thể, tháng 7/2020, giới chơi lan rầm rộ chia sẻ một chậu lan Juliet được giao dịch với giá… 83 tỷ đồng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là chiêu trò thổi giá, đánh bóng tên tuổi của một số nhà vườn hay là giá trị thật của sản phẩm.
Tiếp đó vài ngày, giới sinh vật cảnh cả nước lại được phen trầm trồ khi có thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới… 1.400 tỷ đồng. Đây là con số khiến nhiều người bán tín bán nghi, khi chiêu trò thổi giá ngày càng khủng khiếp. Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, cả người bán và người mua đã phải lên tiếng đính chính và cho rằng đây là lỗi của nhà in khi in thừa số 0 trên tấm bạt căng trên sân khấu nên chậu lan chỉ có giá 1,4 tỷ đồng. Đến tháng 9/2020, một người chơi lan đột biến ở Phú Thọ lên Facebook công bố bán cây mẹ lan Bướm Đại Ngàn với giá… 100 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai, chủ nhân cây lan gây sốc trên mạng xã hội, trước đó, vào tháng 7/2020, người này đã bán 1 kie lan với giá 15 tỷ đồng.
Sang năm 2021, các cuộc giao dịch lan đột biến với giá “trên trời” vẫn tiếp tục được diễn ra. Đầu tháng 3, cộng đồng mạng lại có dịp xôn xao trước thương vụ chuyển giao lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được diễn ra tại Quảng Ninh hay cuộc chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18.888.888.888 đồng tại Hà Nam.
Trong tháng 4, công an huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đã tiếp nhận trình báo về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo khi mua lan đột biến xảy ra tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Theo đó, vợ chồng anh V. (ngụ tại TPHCM) thông qua mạng xã hội đã quen biết với anh B.V.D. là chủ của vườn lan Bình Minh ở huyện Trảng Bom. Sau khi đến thăm vườn lan, vợ chồng anh V. đã mua 1 cây hoa lan giống 5 cánh trắng Bạch Tuyết có giá 466 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mang lan về chăm sóc được ít ngày thì cây có dấu hiệu “ngắc ngoải” nên vợ chồng anh V. vội chụp lại ảnh, gọi điện báo cáo tình trạng cho anh D. Sau đó, anh V. được chủ vườn hẹn mang cây lan đến cửa hàng để bảo hành và chăm sóc. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, chủ vườn lan đã đóng cửa vườn, trả lại mặt bằng và lặn mất tăm.
Nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền tổ chức tín dụng tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan, việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến gen bất bình thường có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro và kéo theo những hậu quả khó lường về an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Tổng Hợp