Sau cơn sốt, nhiều cửa hàng âm thầm đóng cửa, chấp nhận khoản lỗ lên tới hàng trăm triệu đồng.
Sau gần 6 tháng kinh doanh thua lỗ, anh Nguyễn Hải Long (Hoàng Mai, Hà Nội) thông báo sang nhượng quán trà chanh tại một tuyến phố quận Hai Bà Trưng. Quán đang hoạt động diện tích 85m2 ở phố chính, giá thuê nhà hiện nay 15 triệu đồng/tháng.
Theo anh Long, thời điểm mở quán, trà chanh đang là đồ uống hot của Hà Nội, thu hút đông đảo giới trẻ. Nghe giới thiệu, chỉ cần đầu tư 300 triệu đồng là có thể thu hồi vốn trong vòng 6 tháng, nên anh Long mạnh dạn đầu tư.
Tuy nhiên, khi quán đi vào hoạt động lại khá vắng khách do bắt đầu vào đông. Quán phục vụ chính là sinh viên, học sinh nên khi nghỉ Tết bị ảnh hưởng rất nhiều. Sau khoảng thời gian cầm cự, anh quyết định sang nhượng lại cửa hàng, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu.
Anh Long cho hay, khó khăn khi mở quán trà chanh là tìm mặt bằng ở khu vực đông học sinh, sinh viên, trong khi đó nhiều loại đồ uống khác cũng đã cạnh tranh rất mạnh. Chưa kể tới nhân viên pha chế, phục vụ đều là sinh viên nên chỉ cần thay đổi lịch học là ảnh hưởng tới hoạt động của quán. Khách là học sinh, sinh viên nên các kỳ nghỉ lễ kéo dài, doanh thu cũng sụt giảm mạnh.
Nhiều cửa hàng đóng cửa sang nhượng
Tương tự, chị Minh, một chủ quán trà chanh. cũng đang sang nhượng cửa hàng tại quận Ba Đình. Cửa hàng trà chanh của chị đã mua đứt thương hiệu nên không mất chi phí hàng tháng nhượng quyền. Giá thuê mặt bằng hiện nay là 25 triệu đồng/tháng.
Chị thanh lý toàn bộ máy móc, quầy pha chế, bếp chiên, máy POS, bàn ghế, quạt cây, điều hoà,… chủ mới chỉ cần tới mở kinh doanh luôn. Hợp đồng thuê nhà 3 năm, khách thuê có thể tiếp tục sử dụng lại thương hiệu trà chanh và công thức pha chế,… Số tiền sang nhượng là 160 triệu đồng. Theo chị Minh, chị đã chấp nhận thua lỗ đầu tư vào quán trà chanh.
Chị Minh nhận xét, mô hình trà chanh được quảng cáo lợi nhuận cao trong khi vốn đầu tư thấp. Số vốn ban đầu để mở tiệm trà chanh là rất nhỏ, 250 triệu cho cả tiền thuê mặt bằng và đầu tư vật dụng, nguyên liệu. Mỗi ngày bán hàng có thể thu về khoảng 2 -3 triệu đồng, doanh thu một tháng có thể ngót nghét 90 triệu đồng. Trừ chi phí, mặt hàng trà chanh có thể lãi 40 triệu đồng một tháng. Chỉ vài trăm triệu, bất cứ ai cũng có thể tự mở một quán trà chanh.
Tuy nhiên, “không gì dễ hơn mở quán trà chanh” đã khiến cho các cửa hàng loại đồ uống này mọc lên như nấm tại các tuyến phố. Nhiều khu vực có tới 5-6 thương hiệu. Chính vì vậy, thành công thì ít mà quán đóng cửa, chuyển đổi mô hình mới ngày càng nhiều.
“Thời gian đầu, có ngày mình thu hơn 15 triệu nhưng rồi dần dần chỉ vài triệu. Khách hàng chủ yếu chọn các loại đồ uống giá dưới 20.000 đồng nên doanh thu không cao”, chị Minh nói. Bên cạnh đó, các sự kiện bóng đá, ngày lễ, quán luôn phải khuyến mại để thu hút khách.
Không nhanh là chết kẹt
Lý giải về sự ra đi nhanh chóng của nhiều cửa hàng trà chanh, anh Duy Khoa, một chuyên gia trong ngành cho rằng, cái gì lớn càng nhanh thì sẽ chết càng nhanh. Theo anh Khoa, trà chanh là mô hình kinh doanh dễ sao chép, các thương hiệu na ná như nhau và không có nét đặc trưng.
Sữa chua trân châu lên cơn sốt sau trà chanh
Trong khi đó, kinh doanh trà sữa, cà phê, chỉ riêng chi phí nhượng quyền đã dao động từ vài trăm triệu đồng cho tới cả tỷ đồng. Đó là chưa kể các chi phí về thuê mặt bằng, thiết kế cửa hàng, đầu tư trang thiết bị kinh doanh,… Như vậy, số vốn chủ đầu tư bỏ ra với một quán kinh doanh cà phê, trà sữa nhượng quyền có thể không dưới một tỷ đồng.
“Cái gì không có giá trị cốt lõi thì sẽ khó bền vững, nếu theo xu hướng thì bạn phải chạy thật nhanh và buông thật nhanh”, anh nói. Để một cửa hàng thành công cần phải làm cái mà những người khác nhìn thấy mà không thể sao chép được.
Chị Thu Trang, chủ một quán trà chanh phân tích, trà chanh gần như giống nhau ở các thương hiệu nên khách hàng không cần “quán ruột”, các quán mọc lên như nấm nên họ có thể mua ở bất kỳ đâu mà không cần quay lại.
Trong khi đó, để mở một quán trà chanh khá dễ, thậm chí không cần mua nhượng quyền, họ vẫn có tểh tự mở một cửa hàng dẫn tới trà chanh quá nhiều. Thực tế, trà chanh chỉ là một trào lưu ngắn hạn nên Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương gần như đang quá bão hoà.
Theo chị Trang, giá bán trà chanh quá thấp nên cần số lượng lớn. Nhưng khi doanh thu cao thì chi phí sẽ tăng. “Đừng nhìn vào hình ảnh các quán trà chanh nườm nượp người ra vào, hết chỗ mà mở quán. Hiện nay, trà chanh không còn là miếng bánh béo bở nữa vì nó đã chia cho rất nhiều người”, chị cho hay.
Trước sự thoái trào của một xu hướng trong giới trẻ, nhiều cửa hàng đang phải thay đổi mô hình kinh doanh từ trà chanh bán thêm cà phê, đồ ăn nhanh,… để tồn tại. Còn một số thương hiệu sẵn sàng chuyển nhượng 0 đồng cho tới khi cửa hàng hoạt động ổn định có doanh thu. Các thương hiệu còn hỗ trợ lên kế hoạch chi tiết, chi phí và tìm kiếm mặt bằng.
Theo Duy Anh
VietnamNet