Tính tới hết năm 2019, tổng số công trình xanh tại Việt Nam dừng lại ở con số 70, chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, và bằng 1/15 so với Singapore.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải độc hại ứ đọng… có chiều hướng gia tăng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Tại nhiều cuộc hội thảo về phát triển đô thị bền vững, nhiều chuyên gia đã khẳng định, phải phát triển nhiều các dự án xanh, công trình xanh, hoặc các khu đô thị xanh để hạn chế những tác động xấu của quá trình biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn quá ít so với các quốc gia trong khu vực. Tính tới hết năm 2019, tổng số công trình xanh tại Việt Nam dừng lại ở con số 70, chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, và bằng 1/15 so với Singapore.
Khu đô thị xanh Ecopark, phía Đông Hà Nội. Ảnh: Cường Nguyễn
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, đang có 3 rào cản lớn đối với quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất đến từ cơ chế, chính sách Nhà nước. Cụ thể, các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ. Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.
Thứ hai, nhiều “ông lớn” trong ngành BĐS vẫn đang có quan điểm sai lầm về chi phí xây dựng các công trình xanh, bị trội thêm 10 – 15%.
Trên thực tế, theo ông Phong các công trình xanh đem lại nhiều lợi ích kinh tế bền vững và lâu dài. Đơn cử, tiết kiệm được 25% – 50% nguồn tài nguyên (giảm khoảng 30 – 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 – 50% lượng nước sử dụng), và khoảng 30% chi phí bảo dưỡng công trình.
Đặc biệt, trong bối cảnh ô nhiễm không khí, khói bụi ở các thành phố lớn đang trở nên nghiêm trọng, người dân ngày càng có nhu cầu sống trong các không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên
Ngoài ra, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều.
“Hầu hết, các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia đều đã có gói hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp, ví dụ như ngành công nghiệp ô tô, xe máy,… Ngược lại, với mảng xây dựng xanh chưa có cơ chế ưu đãi này, chi phí đầu vào lại cao nên nhiều chủ đầu tư không quan tâm nhiều tới công trình xanh”, ông Phong nói.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí, khói bụi ở các thành phố lớn đang trở nên nghiêm trọng, người dân ngày càng có nhu cầu sống trong các không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh trong KĐT Ecopark.
Trên cơ sở đó, ông Phong kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, và có các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển các công trình xanh. Đặc biệt là các gói hỗ trợ tài chính.
“Các gói hỗ trợ tài chính này không chỉ riêng doanh nghiệp, mà còn hướng tới người tiêu dùng. Khi có các gói hỗ trợ tài chính, nhu cầu sẽ tăng cao, như vậy, nguồn cung cũng sẽ tăng theo”, ông Dũng chia sẻ.
Đồng thời, cần “luật hóa” công trình xanh, đưa các tiêu chuẩn về công trình xanh, xây dựng xanh, đô thị xanh vào Luật Xây dựng.
Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Cường, Chủ tịch HĐQT ID Green cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đã có các quy chuẩn về công trình xanh, song đó chỉ là văn bản pháp lý và chưa mang yếu tố bắt buộc.
Vì vậy, để công trình xanh đi vào thực tiễn, nhất thiết phải “luật hóa” theo diện bắt buộc phải thực hiện, trong đó có yếu tố xử phạt nếu doanh nghiệp cố tình sai phạm.
“Khi có các điều khoản xử phạt, đủ sức răn đe, khi đó các doanh nghiệp mới tự ý thức xây dựng các công trình xanh”, ông Cường nói.
Việt Vũ