Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng được dự báo sẽ giảm xuống mức 6 – 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25%/năm vào cuối tháng 7/2023, nâng lãi suất chính sách lên mức cao nhất trong vòng 22 năm là 5,25 – 5,5%/năm. Thị trường kỳ vọng, Fed sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa từ nay đến cuối năm 2023 và bắt đầu giảm lãi suất kể từ tháng 5/2024. Tuy nhiên, Fed cho biết, quyết định về lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế ở thời điểm đó, tức để ngỏ khả năng sẽ tăng thêm lãi suất, nhất là khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu rằng, một đợt tăng lãi suất khác vẫn là một lựa chọn.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á phân tích, Fed tăng lãi suất sẽ có hai cơ chế tác động. Thứ nhất, khi lãi suất tăng, người dân Mỹ sẽ giảm chi tiêu, dẫn đến nhập khẩu không tăng, thậm chí giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Việt Nam. Nói cách khác, ở góc độ thương mại, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục giảm, hay ít nhất sẽ không tăng mạnh. Thứ hai, Fed tăng lãi suất sẽ khiến dòng tiền chảy về Mỹ để hưởng lãi suất cao, gây áp lực lên tỷ giá của đồng tiền Việt Nam, đặc biệt nếu Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt thì tiền đồng có thể giảm giá mạnh.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, đồng Việt Nam giảm giá khoảng 1,5%, nhưng không đáng kể nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Philippines đang giảm giá nhiều hơn. Điều này cho thấy, chính sách neo tỷ giá đã giúp đồng Việt Nam giảm giá ít hơn. Phân tích trên cho thấy, Fed tăng lãi suất có tác động đến Việt Nam và hiện ở góc độ về thương mại sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với ảnh hưởng trên góc độ về tiền tệ”, ông Hùng nói.
Trong diễn biến có liên quan, Việt Nam lội ngược dòng, không đi theo xu hướng tăng lãi suất trên thế giới khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất trong thời gian qua, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thậm chí, bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định, lạm phát tại Việt Nam duy trì ở mức khả quan và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Trong tháng 7/2023, chỉ số lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, do lạm phát năng lượng tiếp tục giảm. Các dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy lạm phát có thể sẽ giảm tốc so với lạm phát toàn phần, áp lực lạm phát trở nên ít đáng ngại hơn đối với Ngân hàng Nhà nước. Điều này có thể sẽ giúp thị trường có thêm động thái hỗ trợ từ chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm, lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu điều kiện thị trường cho phép. Dù vậy, chúng tôi vẫn thận trọng với rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là do hiện tượng El Nino đang ngày càng nhiều hơn”, bà Yun Liu nói.
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6 – 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Có 4 yếu tố dẫn tới dự báo này: thứ nhất, tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; thứ hai, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; thứ ba, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; thứ tư, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 và cơ quan này ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Chúng tôi cho rằng, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, bà Thanh nói.
Theo ông Hùng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hoá về gia công rồi xuất khẩu nên nhu cầu của các thị trường xuất khẩu suy giảm đồng nghĩa các doanh nghiệp gia công đang dần mất việc làm, mặc dù cán cân thương mại vẫn tích cực khi xuất siêu. Bên cạnh đó, chi tiêu Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 khá chậm với ước tính giải ngân đầu tư công mới đạt 28,63% kế hoạch năm. Không thể trông đợi vào đầu tư tư nhân sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Cửa sáng hiện tại là tiêu dùng tư nhân.
“Để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân cần phải kích thích người dân tiêu tiền, nhưng lãi suất hiện ở Việt Nam vẫn còn cao dẫn đến khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, thay vì tiêu tiền. Cần phải giảm lãi suất để người có tiền thay vì gửi tiết kiệm sẽ tiêu tiền, hoặc đầu tư để có lợi nhuận tốt hơn”, ông Hùng nói.
Vẫn theo ông Hùng, chính sách tiền tệ nên hướng vào kích thích tiêu dùng trên cơ sở tác động vào lãi suất tiền gửi. Lãi suất tiền gửi giảm sẽ giúp tiêu dùng cá nhân tốt lên, đồng thời giúp ngân hàng giảm áp lực chi phí đầu vào để hạ lãi suất cho vay. Nếu lạm phát ước tính khoảng 4% có thể đưa lãi suất huy động về khoảng 5% thì vẫn còn lãi suất thực 1%.
“Nhưng cần phải cân đối làm sao để lãi suất giảm từ từ rồi quan sát tiêu dùng đã “nhích” đến đâu. Nói cách khác, xem nền kinh tế thực hút được vốn như thế nào rồi giảm tiếp, chứ không thể giảm lãi suất mạnh, nhanh và thị trường hàng hoá, dịch vụ không hấp thụ hết được vốn sẽ dẫn đến rủi ro bong bóng tài sản”, ông Hùng lưu ý.
Ông Hùng nhận định, thị trường hiện nay đặt quá nặng nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế cho chính sách tiền tệ, quan tâm quá nhiều đến lãi suất, trong khi không đủ quan tâm đến chính sách tài khóa, chi tiêu của Chính phủ như thế nào, hay chi tiêu cho chính sách hỗ trợ lao động mất việc để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Chính sách tài khoá của Chính phủ cần được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn.
Tổng Hợp
(ĐTCK)