Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang phải trả người bán ngắn hạn hơn 13.300 tỷ đồng. Trong số này có 6.640 tỷ đồng nợ đã quá hạn thanh toán, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả.
Hãng bay quốc gia này tin tưởng rằng với các khoản hỗ trợ tài chính đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, cũng như sự hỗ trợ của các đối tác, Vietnam Airlines có thể thanh toán các khoản nợ phải trả quá hạn trong năm 2021. Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt phương án để Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng thời được phép phát hành cổ phiếu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng dù kết quả kinh doanh năm vừa qua thua lỗ hơn 11.000 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp muốn chào bán thêm cổ phiếu phải đáp ứng điều kiện “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”. Quốc hội đã miễn điều kiện này với Vietnam Airlines. Vietnam Airlines cho biết công ty vẫn tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để cơ cấu lại số tiền và thời hạn thanh toán các khoản phải trả này.
Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tối đa ba năm và giải ngân trước ngày 31/12/2021.
Khoản vay mà TCTD cấp cho Vietnam Airlines vẫn đòi hỏi có tài sản bảo đảm và lãi suất lớn hơn 0%. Dự kiến trong tháng 4, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn TCTD có khả năng đưa ra mức lãi suất thấp nhất cho khoản vay này. Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phần Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.
Vietnam Airlines đòi áp giá sàn giống như đàn ông đòi đẻ
Mới đây đã đề xuất với Cục Hàng không (thuộc Bộ Giao thông vận tải) về việc áp giá sàn và nâng giá trần đối với vé máy bay tùy theo cự ly di chuyển. Mức thấp nhất là 414.000 đồng/vé đối với chặng dưới 500 km và cao nhất là 1,4 triệu đồng/vé với chặng trên 1.280 km.
Trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air, tổng cộng chiếm khoảng 80% thị phần, tạo nên hình thái thị trường “độc quyền nhóm”. Thị phần của các hãng còn lại như Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều nhỏ hơn đáng kể.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: “Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Về nguyên tắc đối với thị trường loại này, Nhà nước chỉ định giá trần để không cho các hãng cùng nhau đẩy giá lên cao”. Vị chuyên gia này còn so sánh đề xuất của Vietnam Airlines giống như “đàn ông đòi đẻ”, chắc chắn không thể trở thành hiện thực: “Luật hiện nay chỉ quy định giá trần vé máy bay, không áp dụng giá sàn để các doanh nghiệp còn cạnh tranh với nhau. Doanh nghiệp làm càng tốt và giá càng thấp thì khách hàng càng được lợi. Vậy nên về mặt luật pháp, đề xuất của Vietnam Airlines hoàn toàn sai”.
Có ý kiến cho rằng việc áp giá sàn sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá như trên, không để các hãng bay làm suy yếu lẫn nhau.
Nhật Hạ