Khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp trở lại với một số ca lây nhiễm từ cộng đồng xuất hiện tại Đà Nẵng thì ngành du lịch lại bắt đầu nơm nớp với những khó khăn ập đến.
Khách sạn “thấm đòn” vì dịch
Khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong các phân khúc bất động sản “thấm đòn” nặng nhất vì Covid-19. Trên các kênh bất động sản, trang cá nhân Facebook, Zalo, thông tin chuyển nhượng, rao bán bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều.
Vắng khách và không có khách đặt phòng là câu chuyện phổ biến của rất nhiều đơn vị làm trong lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ hay khách sạn thời gian qua khi xảy ra dịch Covid-19.
Tại thị trường Hà Nội, tình hình cho thấy việc kinh doanh khách sạn vẫn chưa dứt thời kỳ “ác mộng” vì Covid-19.
Theo thống kê của Savills trong nửa đầu năm nay, nguồn cung phòng khách sạn tại Hà Nội ổn định, nhưng công suất phòng giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21%. Giá phòng theo đó cũng sụt 24% so với 2019, và 14% so với quý trước, còn bình quân 85 USD (khoảng 2 triệu đồng) một phòng một đêm.
Du khách tới Hà Nội nửa đầu năm nay giảm hơn 65%, xuống còn 4,93 triệu lượt, trong đó 987.000 lượt khách quốc tế và hơn 3,9 triệu lượt khách nội địa. Riêng quý 2, khách du lịch tới Hà Nội giảm 84%, xuống còn 1,08 triệu lượt. Trong đó, số khách quốc tế giảm 98%.
“Do du lịch quốc tế đóng cửa, du khách quốc tế tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa, công tác hoặc khách du lịch đến từ các địa phương khách”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết.
Theo đại diện Savills, quý 2 chứng kiến hiệu suất thấp nhất gây ra bởi lệnh cách ly xã hội trong tháng 4 và sự sụt giảm khách du lịch. Tuy nhiên, sự phục hồi đang diễn ra khi du khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt hơn.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều khách sạn 4 sao, 3 sao ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục đóng cửa. Một số địa điểm đã gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, trả mặt bằng.
Nhiều chủ khách sạn ở khu vực quận trung tâm như Hoàn Kiếm cho biết vẫn cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại vì tình hình kinh doanh khó khăn do khách quốc tế chưa trở lại. Vắng khách, nhiều khách sạn buộc phải giảm mạnh giá phòng để thu hút khách.
Rao bán hoặc tiếp tục ngậm ngùi chịu lỗ
Một giám đốc trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn chia sẻ, việc cầm cự chịu lỗ hoặc chấp nhận rao bán cắt lỗ là khá nhiều trong thời gian gần đây ở phân khúc khách sạn. Hầu hết những người buộc phải rao bán thường là do số vốn vay ngân hàng vào đầu tư quá lớn. Thị trường các khách sạn này nhắm tới chủ yếu để cho khách du lịch quốc tế.
Tại một số địa phương, đặc biệt là những điểm du lịch thừa khách sạn như Sa Pa, Đà Nẵng hay Nha Trang… số lượng khách sạn được rao bán ngày càng nhiều. Nhiều người cho biết họ không thể cầm cự đến khi hết dịch.
Một khách sạn quy mô lớn, hạng sang ở Đà Nẵng vừa công bố khoản lỗ ròng sau nửa đầu năm 2020 lên tới 149 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ cùng kỳ năm trước.
Theo ban lãnh đạo công ty này, trong quý 2/2020, do ảnh hưởng và diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phải đóng cửa một thời gian do dịch trong khi các chi phí cố định gần như không thay đổi dẫn đến doanh thu, lợi nhuận khách sạn sa sút nghiêm trọng.
Ở tại TP.HCM, thị trường khách sạn cũng đối mặt với khủng hoảng khi công suất phòng xuống thấp, giá phòng giảm 25% so với năm trước. Các khách sạn 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở Du lịch TP HCM, lượng khách quốc tế trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm giảm 69% theo năm.
Chuyên gia Savills dự báo, với tỷ lệ trống của thị trường khách sạn luôn ở mức 30% trước khi đại dịch bùng phát, phân khúc khách sạn tại TP.HCM có thể tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới.
Thực tế, mặc dù từ tháng 6 đến nay ngành du lịch nhiều địa phương bắt đầu khởi sắc khi lượng du khách nội địa tăng mạnh song mới đây, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp với một số ca mới lây nhiễm từ cộng đồng xuất hiện tại Đà Nẵng thì ngành du lịch lại bắt đầu nơm nớp với những khó khăn ập đến.
Nguyễn Mạnh