Nợ xấu có nguy cơ tăng trong một vài quý tiếp theo, nhưng các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là lựa chọn đầu tư hợp lý. trong 3 tháng vừa qua cổ phiếu “vua” khiến không ít nhà đầu tư phải gồng mình gánh lỗ…
Thực tế, thị trường chung có diễn biến giảm trong thời gian qua, nhưng nhóm ngân hàng có mức giảm sâu hơn nhiều nhóm khác, bởi nhà đầu tư quan ngại các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, kéo dài.
Theo đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ thu hẹp trong nửa cuối năm 2021 do phải hạ lãi suất cho vay, trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng bởi nguy cơ nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 1 điểm phần trăm, BID giảm lãi suất cho vay 1,5 điểm phần trăm.
VCB sau đó giảm thêm lãi suất cho vay 0,5 điểm phần trăm đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng tại TP.HCM, Bình Dương và 17 tỉnh, thành phố phía Nam khác. Tổng gói hỗ trợ lãi suất trong nửa cuối năm 2021 của 3 ngân hàng ước tính gần 11.000 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank, VPBank, MB và ACB giảm lãi suất cho vay lên đến 1,5 điểm phần trăm đối với các khoản vay hiện tại và khoản vay mới để hỗ trợ khách hàng. Dù lãi suất cho vay giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 được dự báo giảm xuống 10 – 12% từ mức 13% trước đó, do cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
HSBC vừa công bố điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,1%, phản ánh tác động của dịch bệnh. Không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần đầu tháng 4/2020.
Lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cầu tín dụng chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế dự báo khó khăn là những yếu tố đưa đến dự báo tiêu cực về nhóm cổ phiếu “vua”. Công ty Chứng khoán VNDIRECT vẫn có đánh giá cao đối với ngành ngân hàng. Tín dụng phục hồi yếu, nhưng vẫn có ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…).
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà nhà đầu tư tổ chức được đánh giá là chuyên nghiệp như quỹ đầu tư cũng chứng kiến cổ phiếu ngân hàng trong danh mục giảm giá, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.
Chẳng hạn, PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan có hiệu suất đầu tư âm 5,47% trong tháng 7/2021 và âm 0,19% trong tháng 8/2021. 10 mã chứng khoán có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của PYN Elite vẫn là VHM, TPB, VRE, HDB, VEA, MBB, CTG, ACV, NLG, VN Diamond. Nhưng trong tháng 8, ba cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là CMC tăng 24,4%, TLG tăng 13,5%, CEO tăng 8,1%, còn ba cổ phiếu có giá giảm mạnh nhất thuộc nhóm ngân hàng là CTG giảm 7,6%, HDB giảm 3,7%, MBB giảm 3,5%. Quỹ đã giảm tỷ trọng đầu tư tại HDB, MBB và TPB.
Nhật Hạ
(Tổng Hơp)