Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng nóng, nhiều mã cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba. Lợi nhuận tăng phi mã cùng với thông tin chia cổ tức khủng chính là động lực tăng trưởng chính của cổ phiếu vua. Tuy vậy, suốt trong tháng 7/2021, cổ phiếu vua liên tục giảm điểm.
Cổ phiếu ngân hàng đã trở nên kém hấp dẫn sau khi bị pha loãng nhiều, lợi nhuận đạt đỉnh, nhiều nguy cơ bất lợi có thể xảy ra trong nửa cuối năm (giảm lãi suất cho vay, nợ xấu lớn, tín dụng giảm…).
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá cao. Tuy vậy, giới chuyên gia phân tích cho rằng, yếu tố định giá chỉ tác động một phần, diễn biến giá cổ phiếu còn tùy thuộc vào cung – cầu thị trường và các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng lại chiếm chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch thị trường, nên các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Tuy Covid-19 khiến tín dụng chậm lại, song nhiều khả năng, dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát trong tháng 8 và tín dụng quý IV/2021 sẽ bật mạnh. Kịch bản này đã diễn ra vào năm 2020, khi tín dụng quý VI bùng nổ đã bù đắp toàn bộ phần suy giảm trong quý II và quý III. Năm nay, tâm lý của nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng bình tĩnh hơn, nên sự phục hồi trong quý IV là khá chắc chắn. Mặc dù Covid-19 bùng phát mạnh sẽ làm tín dụng quý III/2021 suy giảm, song nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, 6 tháng đầu năm, room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng rất thấp và các ngân hàng vẫn đang trong cảnh lo “thiếu room” tăng trưởng, hơn là không thể tăng trưởng tín dụng.
Phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nổi “sóng” lớn khi trong số 27 mã giao dịch trên 3 sàn chỉ ghi nhận có 2 mã giảm điểm (BID của BIDV và VBB của VietBank), 2 mã đứng giá tham chiếu (VAB của VietABank và SGB của Saigonbank), còn lại là 23 mã tăng.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá đã hỗ trợ tích cực đưa chỉ số VN-Index tăng 10,81 điểm lên 1.345,55 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 5,44 điểm lên 526,92 điểm và chỉ số UPCoM tăng 0,4 điểm lên 87,93 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 21 nghìn tỷ đồng. Như vậy đây là phiên thứ 9 liên tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng giá không ngừng nghỉ.
Trong nhóm ngân hàng, KLB của Kienlongbank (giao dịch trên UPC) là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với 9,6% tương đương 2.100 đồng lên 24.000 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là SHB (sàn HNX) tăng 5,1% lên 28.800 đồng/cổ phiếu, trong phiên có lúc vượt 29.000 đồng. LPB của LienVietPostBank (HoSE) đứng thứ 3 khi tăng 3,4% lên 26.000 đồng/cổ phiếu. TPB của TPBank hôm nay tăng 2,3% lên 35.900 đồng/cổ phiếu. Các mã khác như TCB của Techcombank, STB của Sacombank, PGB của PGBank, MBB của MB, HDB của HDBank và ACB cũng tăng từ 1% đến 1,3%.
Một loạt ngân hàng vừa công bố giảm phí dịch vụ vào đầu tháng 8/2021, sau khi đã giảm lãi suất cho vay trên dưới 1% vào giữa tháng 7/2021. Việc giảm lãi, phí sẽ tác động ngay đến thu nhập của các ngân hàng trong nửa cuối năm. Số liệu ước tính của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank cho thấy, chính sách giảm lãi suất, giảm phí sẽ khiến các ngân hàng giảm 6.000 – 7.500 tỷ đồng thu nhập năm nay. Với nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, mức thu nhập sụt giảm từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa ngân hàng nào công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020 với tổng giá trị mua ròng là 3.602 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD). Trong đó, quỹ Fubon ETF là nhân tố chính khi ghi hút ròng 3.953 tỷ đồng (tương đương 171 triệu USD). Theo đại diện Fubon, họ đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch Covid-19 và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển thị trường chứng khoán (sử dụng hệ thống giao dịch mới để giải quyết vấn đề tắc nghẽn lệnh). Theo quan điểm của VDSC, động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là dễ hiểu khi thị trường Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch Covid-19 với PE dự phóng 2022F là 12,96 và tăng trưởng EPS 2022F 16,16% theo ước tính của Bloomberg. Mức tăng trưởng và định giá này là tương đối hấp dẫn nếu so với các quốc gia khác. Do đó, VDSC kỳ vọng vào động thái tích cực hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Tĩnh Kiên