Từ ngày 5/8 đến 14/9, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%. Giá phát hành chỉ 10.000 đồng/đơn vị, bằng chưa đầy một nửa giá thị trường nhưng vẫn “ế” không có người mua…
Sau đợt phát hành thêm, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên thành 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, lớn nhất ngành hàng không Việt Nam. Với hơn 2,21 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vietnam Airlines xếp thứ 16 trên toàn thị trường chứng khoán.
Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn ANA Holdings (Nhật Bản). Trong đó, Siêu Ủy ban và ANA nắm giữ lượng lớn cổ phiếu HVN từ trước đợt chào bán. SCIC được Nhà nước giao thực hiện quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu HVN và mới trở thành cổ đông của Vietnam Airlines từ ngày 13/9 vừa qua. Giá trị giao dịch khoảng 6.895 tỷ đồng.
ANA là cổ đông chiến lược được quyền mua 70 triệu cổ phiếu HVN nhưng đã tặng toàn bộ số quyền mua này cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines. Số quyền mua nói trên đã được Vietnam Airlines phân bổ đều cho 13.000 người lao động tại công ty mẹ và các công ty con. Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành của Vietnam Airlines đều tham gia mua cổ phiếu trong đợt phát hành vừa qua. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) đã thực hiện quyền mua 8,35 triệu đơn vị HVN.
Tổng cộng đã có 27.627 cổ đông mua cổ phiếu HVN trong đợt phát hành. Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ sử dụng số tiền thu được để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, qua đó giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Tổng số cổ phiếu được phân phối thực tế là 796,1 triệu đơn vị, tương ứng với số tiền thu về 7.961 tỷ đồng. Như vậy, khoảng 3,9 triệu cổ phiếu HVN đã không có người mua dù giá bán khá hấp dẫn và không bị hạn chế chuyển nhượng.
Những cổ đông sở hữu quyền mua HVN nhưng thực tế không mua có thể là vì không chú ý tới thông tin về đợt chào bán, hoặc không có tài chính để nộp tiền mua, hoặc đơn giản là không thích đầu tư thêm vào Vietnam Airlines. Dù lý do là gì thì việc không mua cổ phiếu phát hành thêm đồng nghĩa với việc số cổ phiếu trong danh mục không thay đổi trong khi giá trên thị trường bị điều chỉnh giảm, khiến cho chính cổ đông đó phải chịu thiệt.
Vietnam Airlines cho biết các cổ đông đã thực hiện quyền mua sẽ được chuyển giao cổ phiếu trong quý IV năm nay.
Ngày 9/9, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng hết biên độ với thanh khoản đột biến, cuối phiên còn dư mua giá trần gần 2,5 triệu đơn vị. Nói nôm na là dù nhà đầu tư có tiền cũng chưa chắc mua được HVN trong ngày 9/9 vì không mấy ai chịu bán.
Sang ngày 10/9, HVN tiếp tục đi lên thêm 4,6%. Trong hai phiên, cổ phiếu “anh cả” ngành hàng không này đã tăng tổng cộng 11,8%. Diễn biến bất thường của giá cổ phiếu HVN xảy ra khoảng một tuần sau khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý II cho thấy khoản lỗ sau thuế hợp nhất 8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã lên tới hơn 17.700 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ.
Tài sản ngắn hạn bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn. Các chỉ tiêu về thanh khoản, cơ cấu vốn và khả năng hoạt động đều sa sút xuống mức nguy hiểm. Từ giữa tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định Vietnam Airlines đang ở bên bờ vực phá sản. Nhiều nhà đầu tư vò đầu bứt tai không hiểu tại sao một doanh nghiệp làm ăn sa sút như Vietnam Airlines lại có cổ phiếu tăng kịch biên độ.
Điểm đầu tiên cần lưu ý là giá phản ứng với các thông tin mới nhất, diễn biến gần đây nhất liên quan tới doanh nghiệp và cổ phiếu. Việc Vietnam Airlines khó khăn, làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ, nợ quá hạn hàng nghìn tỷ, … đều đã được nhận định từ trước và phản ánh vào giá.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)