HoSE yêu cầu Victory Capital (PTL) giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Cổ phiếu PTL vừa trải qua 5 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 3/8 đến ngày 9/8, thuộc trường hợp phải công bố thông tin theo khoản 1q Điều 11 Thông từ 96/2020/TT-BTC.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 10,29 tỷ đồng, giảm 75,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 2,45 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 20,47 tỷ đồng, tức giảm 22,92 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 41,5% về chỉ còn 19%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 88,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 15,59 tỷ đồng về 1,96 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 21,6%, tương ứng giảm 0,69 tỷ đồng về 2,51 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,6%, tương ứng tăng thêm 0,76 tỷ đồng lên 7,31 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 93,6%, tương ứng giảm 5,87 tỷ đồng về 0,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 34,06 tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 4,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng, tức giảm 21,66 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế đã lên tới 430,7 tỷ đồng, bằng 43,1% vốn điều lệ.
Trong năm 20222, Victory Capital đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 664,12 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 98,21 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước ghi nhận lỗ 4,66 tỷ đồng, Công ty còn cách rất xa kế hoạch lãi năm 2022.
Trước đó, HoSE cho biết sẽ đưa cổ phiếu PTL vào cảnh báo từ ngày 12/7/2022 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 lên tới âm 442,1 tỷ đồng, cổ phiếu thuộc trường hợp bị cảnh báo.
Theo tìm hiểu, CTCP Victory Capital tiền thân là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (gọi tắt là Công ty Petroland) được thành lập năm 2007 theo Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 15/9/2010.
Tại thời điểm niêm yết, cổ đông lớn gồm Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX) sở hữu 28,4% vốn điều lệ; Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam sở hữu 10% vốn điều lệ; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sở hữu 9% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII) sở hữu 8,5% vốn điều lệ; Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) sở hữu 8% vốn điều lệ; và còn lại 36,1% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Tuy nhiên, từ 3/12 đến 7/12/2021, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã bán ra toàn bộ 36% vốn điều lệ (hơn 36 triệu cổ phiếu) tại Victory Capital và không còn sở hữu cổ phần nào. Ngược lại, ngày 7/12/2021, bà Đỗ Thị Hiền mua vào 7,93 triệu cổ phiếu PTL để nâng sở hữu từ 16,03% lên 23,96% vốn điều lệ.
Cũng trong ngày 7/12/2021, ông Nguyễn Văn Vinh mua vào hơn 11 triệu cổ phiếu PTL để nâng sở hữu từ 9,03% lên 20,08% vốn điều lệ; ông Lê Văn Thăng mua vào hơn 8,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 8,52% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn; và bà Lê Thị Tư mua vào 8,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 8,52% vốn điều lệ.
Như vậy, lượng cổ phiếu mà Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam bán ra tương đương với lượng cổ phiếu mà 4 cá nhân mua vào tại Victory Capital.
Sau đó, tới tháng 3/2022, Công ty chính thức đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí sang CTCP Victory Capital.
Nội dung quy định: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Trường hợp công ty nhận biết được sự kiện, thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty, công ty phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó”.
Ở một diễn biến khác, ngày 1/8, Victory Capital thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 với khối lượng 100 triệu cổ phiếu, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu phát hành thành vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Thời gian triển khai dự kiến trong quý III và quý IV/2022. Thêm nữa, số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng góp vốn vào các công ty con; 250 tỷ đồng mở rộng quỹ đất; và 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Được biết, danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán gồm 2 tổ chức và 4 cá nhân. Trong đó, CTCP Grand House mua 30 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư Trần Thị Hường đăng ký mua 23,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 12,38% vốn điều lệ; nhà đầu tư Lê Thế Tình đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 11,25% vốn điều lệ; CTCP KoKo Capital đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 10% vốn điều lệ …
Như vậy, sau khi tăng trần liên tiếp 5 phiên, tính tới ngày 9/8, cổ phiếu PTL đang giao dịch vùng 6.430 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 35,7% so với giá chào bán riêng lẻ.
Tổng Hợp