Ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và tác động tích cực mạnh mẽ nhất tới các chỉ số VN-Index và VN30-Index trong phiên 15/7. Cổ phiếu ngân hàng hồi phục nhưng còn kém xa một tháng trước.
VN30 tăng 1,42% thì cổ phiếu ngân hàng ngân hàng đóng góp gần 0,73%; VN-Index tăng 1,09%, trong đó các nhà băng góp 0,71%.
Thị trường giao dịch lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp vào buổi sáng rồi bật tăng mạnh vào buổi chiều. Mặc dù vậy, thanh khoản của cả ngày 15/7 vẫn kém xa các phiên gần đây. Tổng giá trị giao dịch ở HOSE đạt 15.145 tỷ đồng, giảm 34% so với trung bình hai tuần qua. Thanh khoản ở HNX và UPCoM cũng xuống thấp.
Trong những phiên gần đây, khối ngoại thường xuyên trao tay hàng triệu cổ phiếu TCB ở giá cao nhất trong biên độ. Nhà đầu tư nội cũng tấp nập giao dịch thỏa thuận TCB trong thời gian con gái Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đăng ký mua gần 22,5 triệu cổ phiếu từ 12/7 đến 4/8. Cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu cũng được giao dịch thỏa thuận 3,58 triệu đơn vị, toàn bộ ở giá trần 33.950 đồng/cp, tổng trị giá 122 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng hồi phục và dẫn dắt thị trường trong phiên 15/7 nhưng nếu so với một tháng trước, đa phần đều đang chìm trong sắc đỏ. Những cổ phiếu giao dịch ở UPCoM như SGB, PGB, BVB, KLB, VBB từng tăng mạnh nhất hồi cuối tháng 5 thì nay cũng giảm sâu nhất, tất cả đều mất trên 10%, thậm chí hơn 20% giá trị. Ở HOSE, cổ phiếu CTG của VietinBank và VIB của Ngân hàng Quốc Tế cũng giảm lần lượt tới 13,3% và 11,6% so với một tháng trước.
Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng giá của thị trường chung với một số mã nổi bật như SHB kịch trần 9,6%, SSB bật lên 5,5%, VPB thêm 4,1%. Tuy nhiên, thanh khoản của nhóm ngân hàng cũng ảm đạm theo xu hướng thị trường chung. VPB và TCB là hai mã duy nhất được khớp lệnh trên 1.000 tỷ đồng, không có những cổ phiếu được giao dịch tới 3.000 – 4.000 tỷ như trong những phiên trước. VPBank ngày 15/7 đã chính thức công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc phát hành thêm 1,97 tỷ cổ phiếu VPB để tăng vốn điều lệ thêm 80%. TCB được khối ngoại giao dịch thỏa thuận 1,96 triệu đơn vị, tất cả đều ở giá trần 54.500 đồng/cp, giá trị giao dịch tương đương 107 tỷ đồng. MBB của Ngân hàng Quân Đội và MSB của Ngân hàng Hàng Hải là hai mã hiếm hoi đang có giá cao hơn so với phiên 15/6. Ngày 13/7 vừa qua, MBB đã chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu tỷ lệ 35%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên gần 37.800 tỷ đồng.
Theo chuyên gia của SSI Research, ngành ngân hàng hiện đóng góp tới 34% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Theo thống kê đến hết ngày 15/7, có tới 25/26 cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng trưởng so với thời điểm đầu năm 2021, với mức tăng bình quân là 51,66%. cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng mạnh nhất với 123,4%. Theo sau, nhiều mã ghi nhận mức tăng trên 90% bao gồm NVB (90%), VIB (94%), VPB (96,9%), SSB (100%). Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, CTG và VCB đều đồng loạt tăng nhẹ, trong khi BID là cổ phiếu duy nhất giảm 10,8% so với đầu năm sau những phiên biến động đột ngột trên thị trường trong đầu tháng 7. Thống kê của SSI Research cho thấy phần lớn các nhà băng tăng trưởng lợi nhuận từ 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank (Mã: VCB) mới đây công bố mức lãi trước thuế khủng 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Vietinbank (Mã: CTG) cũng ước tính lợi nhuận đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2020.
Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn cũng đi kèm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng những thông tin tích cực này đã được phản ánh vào biến động giá cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm. Cuối năm tốc độ tăng trưởng của ngành có thể cân bằng hơn và không còn quá mạnh mẽ như thời điểm đầu năm. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra mức định giá và kỳ vọng phù hợp.
Tĩnh Kiên