Tuần giao dịch vừa qua có 11/19 cổ phiếu ngân hàng tăng giá với khối lượng giao dịch đạt hơn 325,6 triệu cổ phiếu. Trong đó, ACB tiếp tục là mã có mức tăng giá và thanh khoản lớn nhất ngành.
11/19 cổ phiếu ngân hàng tăng giá
Tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua (17/8 – 21/8), số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo với 11/19 mã.
ACB tiếp tục là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ở mức 8,7%. Trước đó, ACB cũng giữ vị trí quán quân tăng giá trong tuần 10/7 – 14/7 với mức tăng 6,8%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày giao dịch gần đây, thị giá ACB đã tăng tổng cộng 16,5%.
Trong một diễn biến liên quan, ACB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/8 để chi trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến sau khi chia cổ tức, lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên gần 2,16 tỉ đơn vị, đồng thời vốn điều lệ ACB sẽ đạt gần 21.616 tỉ đồng.
Ngoài ACB một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng khá mạnh như SHB (+7,2%), TPB (+4,5%), VIB (+4,4%), CTG (+3,4%) và STB (+3,3%), …
Tuần qua ghi nhận 7 mã ngân hàng giảm giá gồm NVB (-2,4%), VBB(-2,3%), KLB (-2%), BVB (-0,9%), HDB (-0,7%), EIB (-0,3%) và BID (-0,1%). Mã đứng giá duy nhất là BAB.
Xu hướng tăng giá của các cổ phiếu vẫn chiếm áp đảo trong bối cảnh thị trường chung tiếp tục diễn biến tích cực.
Tổng cộng, VN-Index tăng 4,04 điểm, tương đương tăng 0,47% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần ở mức 854,78 điểm; trong khi HNX-Index tăng 6,41 điểm, tương ứng tăng 5,51% và kết tuần ở mức 122,64 điểm.
Vốn hóa toàn ngành tăng gần 16.000 tỉ đồng
Đóng cửa ngày giao dịch 21/8, giá trị vốn hóa của 19 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở hơn 923.513 tỉ đồng, tăng 15.970 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng tăng 1,8%.
Tuần qua ghi nhận sự gia tăng vốn hóa của nhiều ngân hàng. Cụ thể, vốn hóa Vietcombank tăng 3.338 tỉ lên 307.446 tỉ đồng; vốn hóa VietinBank tăng 2.979 tỉ, lên 90.479 tỉ đồng; vốn hóa ACB và Techcombank tăng lần lượt 2.827 tỉ và 1.925 tỉ đạt 35.250 tỉ đồng và 71.228 tỉ đồng…
Thanh khoản toàn ngành tăng gần 25%
Tuần qua có tổng cộng hơn 325,6 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 5.844 tỉ đồng, tăng 24,8% về khối lượng và tăng 26,3% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, ACB là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 63 triệu đơn vị. Xếp tiếp sau ACB lần lượt là SHB với gần 50,8 triệu cp, STB hơn 40,1 triệu cp, LPB gần 32,6 triệu cp, MBB hơn 22,8 triệu cp, CTG hơn 22,1 triệu cp và VPB hơn 20,1 triệu cp…
Mặt khác, ACB cũng là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất ngành với hơn 1.512 tỉ đồng. Đứng sau ACB lần lượt là SHB (hơn 670 tỉ đồng), VietinBank (gần 524 tỉ đồng), Sacombank (hơn 432 tỉ đồng), VPBank (gần 429 tỉ đồng),….
Thanh khoản nhiều mã ngân hàng tăng mạnh
Tuần qua chứng khiến sự gia tăng thanh khoản của 9 mã cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu TPB có khối lượng giao dịch tăng mạnh nhất với hơn 2,8 triệu cp được mua – bán, gấp gần 13 lần tuần trước.
Cùng với TPB, thanh khoản của SHB và VBB cũng gấp lần lượt 3 lần và 2 lần tuần trước; trong khi thanh khoản một số cổ phiếu khác ghi nhận mức tăng trên 50% như EIB (tăng 89,6%), ACB (tăng 56,2%) và TCB (tăng 50,1%).
Ngược lại, 9 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm trong tuần qua. Trong đó, thanh khoản KLB giảm 77,4% với chỉ 15.600 cp được giao dịch.
Giao dịch thỏa thuận khủng tại SHB và ACB
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 231 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.205 tỉ đồng, chiếm gần 71% về khối lượng và 72% về giá trị.
Hơn 94,6 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.638 tỉ đồng. Trong đó, SHB có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 35,3 triệu đơn vị, chiếm 70% tổng lượng cổ phiếu này được giao dịch trong tuần.
ACB cũng gây chú ý trong tuần qua với hơn 15,9 triệu đơn vị được giao dịch thỏa thuận. Trong đó, riêng trong phiên sáng 18/8 có 14 triệu cổ phiếu ACB được trao tay với mức giá 28.000 đồng/cp. Giá trị giao dịch thỏa thuận là 392 tỉ đồng.
Ngoài SHB và ACB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra “sôi động” tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như EIB (gần 14,6 triệu cp), STB (hơn 6,5 triệu cp), TCB (gần 6 triệu cp), VPB (gần 4,2 triệu cp);…
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng