Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch thăng hoa với giá tăng hàng loạt, nhiều cổ phiếu lập kỷ lục cao mới. Cổ phiếu ngân hàng liên tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Các “game” ở ngân hàng như bán vốn cho đối tác chiến lược, chuẩn bị ký hợp tác bảo hiểm, xuất hiện nhóm cổ đông lớn mới, tăng vốn hay chi trả cổ tức cao đều hấp dẫn nhà đầu tư.
Cổ phiếu các ngân hàng khác đồng loạt tăng, ngoại trừ BID giảm nhẹ 0,6% và đóng cửa tại 42.350 đồng. Trong phiên có lúc BID giao dịch ở 43.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu hôm nay đóng cửa tạo đỉnh cao mới kể từ khi niêm yết tới nay (đã tính đến yếu tố điều chỉnh) như VPB của VPBank 66.600 đồng/cổ phiếu, VIB lên 62.300 đồng, TCB của Techcombank lên 48.650 đồng, LPB của LienVietPostBank đạt 23.350 đồng, OCB lên 24.100 đồng, EIB của Eximbank 27.300 đồng hay MSB đạt 23.400 đồng/cổ phiếu. VCB của Vietcombank vẫn là cổ phiếu đang có giá nhất, nhưng thời gian qua không chung “sóng” với các ngân hàng có giá rẻ hơn mà chỉ quẩn quanh mốc 100 nghìn đồng. Chốt phiên 14/5, VCB đứng ở 96.900 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên cuối tuần ngày 14/5, SHB dẫn đầu đà tăng với mức kịch trần 10% (sàn HNX) lên 28.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 42 nghìn đơn vị, trị giá trên 1.000 tỷ đồng. Mức giá 28.600 đồng là đỉnh của cổ phiếu này từ trước tới nay. Cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 là SSB (HoSE) của SeABank với mức tăng trần 6,9% lên 30.250 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng hơn 3,1 triệu đơn vị. ABB của An Bình giao dịch trên UpCOM hôm nay tăng 3,9% đạt 18.800 đồng/cổ phiếu, là cổ phiếu tăng giá mạnh thứ 3.
Nhiều chuyên gia cho rằng có rất nhiều số liệu ẩn sau những con số “vốn mồi” ban đầu để nhân lên vốn hóa thị trường. Chẳng hạn với các ngân hàng, bên cạnh dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân, bao gồm cầm cố chứng khoán, bản thân ngân hàng là những nhà đầu tư lớn. Thời gian qua, kinh doanh chứng khoán đầu tư giúp nhiều ngân hàng ghi lợi nhuận lớn.
Thống kê từ BCTC hợp nhất của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2021, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này đã tăng 5,3% lên hơn 93.200 tỷ đồng. BIDV, VPBank, VietinBank vẫn là những ngân hàng có số nợ xấu lớn nhất hệ thống, lần lượt là hơn 21.700 tỷ đồng, 10.400 tỷ đồng và 8.900 tỷ đồng. Quý đầu năm, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank. ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng. Trong khi đó, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng. Được biết nguyên nhân là do ngân hàng đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank – là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 hồi cuối năm 2019. 5 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhẹ: Techcombank giảm 12%, VietinBank giảm 6%, Sacombank giảm 8%, SeABank giảm 1%, BacABank giảm 4%.
Nhật Hạ