Từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng thường xuyên chìm trong sắc đỏ và là một trong những nhóm tác động tiêu cực nhất tới thị trường chung. Nhưng thật sự Cổ phiếu ngân hàng đã về vùng giá hấp dẫn?
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, nhiều mã ngân hàng gần như đã bị chia đôi thị giá như KLB (-44%), VIB (-40%), PGB (-40%), SHB (-39%), OCB (-38%), MSB (-37%), STB (-35%),…
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn tín dụng vào BĐS, thanh tra TPDN tại các ngân hàng, lo ngại nợ xấu gia tăng và áp lực lạm phát đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư, khiến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được chiết khấu về mức khá hấp dẫn.
Theo nhóm phân tích, định giá ngành ngân hàng hiện tại theo P/B (1,6x) đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2,0) và thấp hơn so với VN – Index. Mặc dù định giá hiện nay của các ngân hàng tại Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực (P/B khoảng 1,3x) nhưng chỉ số ROE (18,6x%) cao hơn hẳn so với mức trung bình các nước trong khu vực (10,x%). Do vậy, Agriseco Research đánh giá ngành ngân hàng hấp dẫn để đầu tư trong 2022.
Nhận định trong các quý tới, Agriseco duy trì triển vọng tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ (1) dư địa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sau khi dịch bệnh được khống chế; (2) các chính sách mới Chính phủ ban hành: (2a) gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp ngân hàng gia tăng thu nhập lãi thuần và (2b) kéo dài thời hạn áp dụng Nghị định 42 về thí điểm xử lý nợ xấu giúp hỗ trợ chất lượng tài sản; (3) kế hoạch 2022 tăng trưởng tích cực; (4) kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ dự kiến sẽ triển khai trong năm và (5) mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đã trở về trạng thái hấp dẫn.
Trong trung và dài hạn, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình và là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ (1) quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư; (2) quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Trước đó, VnDirect cũng cho rằng thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.
Theo nhóm phân tích, ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.
Tuy vậy, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và các ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao; và đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.
Theo một chuyên gia trong ngành, có 4 yếu tố chính dẫn đến việc cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất là những tác động từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu. Hoạt động đầu tư trái phiếu thường chiếm 8 – 20% tổng tín dụng của ngân hàng và lợi nhuận từ trái phiếu mang lại cũng có phần lớn hơn so với hoạt động tín dụng thông thường. Vì vậy khi dòng vốn vào thị trường này được nắn lại, các ngân hàng cũng ít nhiều chịu các tác động theo hướng không mấy thuận lợi.
Nhân tố thứ hai đang tạo áp lực lên cổ phiếu ngân hàng là dòng tín dụng bất động sản đang được quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, hoạt động nhà đất thường sẽ được các ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn và là một nguồn thu nhập khá đáng kể. Chính vì thế, khi dòng vốn đổ vào thị trường này không còn rộng rãi như trước, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân thứ ba đó là thị trường đang quan ngại về việc room tín dụng có khả năng bị thu hẹp. Trong quý 1, các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng rất mạnh. Sang đến quý 2, đa phần các nhà băng vẫn chưa được ngân hàng nhà nước cấp tiếp hạn mức tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại chính phủ có thể thắt chặt tiền tệ, vì thế mà room tăng trưởng tín dụng cũng không được thoải mái như trước.
Yếu tố thứ tư đó là thị trường hiện đang đối mặt với nhiều thông tin kém tích cực như: Lạm phát và lãi suất ở Mỹ tăng cao, những xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy và giá hàng hóa tăng cao, cùng với đó là dòng tiền đầu cơ dè dặt trước việc chấn chỉnh thị trường chứng khoán.
Bên cạnh 4 yếu tố kể trên, việc dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường cũng là thứ khiến cho các nhà đầu tư không quá lạc quan như trước.
Trong những năm qua, các ngân hàng đã phải phát hành không ít cổ phiếu để tăng vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của cơ quan điều hành. Lượng cổ phiếu lưu hành cũng đã tăng lên đáng kể. Khi dòng tiền rời đi, lượng cổ phiếu lưu hành là rất lớn. Do đó khi thị trường giảm thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thuộc diện dễ bị ảnh hưởng nhất.
Tổng Hợp