Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) từ ngày 22/2 đã chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ HoSE sang thị trường UPCoM. Vừa qua sàn UPCOM, cổ phiếu FLC đã bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch…
Thông báo từ VSD cho hay, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết theo Quyết định số 51/QĐ-SGDHCM ngày 13/2/2023 của HoSE nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định tại Điều 133 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính Phủ.
Trước thông tin trên, một bộ phận nhà đầu tư tỏ ra hụt hẫng khi cho rằng gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức được giao dịch trên UpCOM vào cuối tháng 2/2023 nhưng cho đến phiên giao dịch sáng ngày 22/2, mã FLC vẫn chưa được phép giao dịch trên sàn này. Trong khi số nhà đầu tư khác lại có phần bình tĩnh hơn do đã có “bài học” từ ROS.
Đến ngày hôm nay 24/2, HNX mới có các văn bản quyết định về “số phận” của 710 triệu cổ phiếu FLC. Theo đó, 2 quyết định đã liên tiếp được lãnh đạo HNX ban hành trong cùng ngày hôm nay, một mặt chấp nhận việc chuyển sàn cho FLC nhưng sau đó lập tức đưa cổ phiếu FLC vào diện đình chỉ giao dịch.
Trước hết, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 133 Nghị định số 155/2020 của Chính phủ, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC sau khi bị HoSE hủy niêm yết thì vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng và sẽ được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCOM.
Tuy nhiên, FLC cũng bị HNX quyết định đưa vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 3/3/2023.
Lý do là theo điểm đ khoản 1 Điều 36 Quy chế đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam quy định trường hợp cổ phiếu đăng ký giao dịch bị đình chỉ giao dịch bao gồm: “Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do SGDCK hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP”.
Ngoài ra, HNX cũng thông tin về trường hợp cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros bị hủy niêm yết bắt buộc.
Cụ thể, ROS đã bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà SGDCK hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ngày 25/8/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bổ sung tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 03 người khác. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết và 3 bị can trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Việc tăng khống vốn điều lệ là hành vi bị cấm được quy định tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.
Do việc tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng của ROS thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra, HNX chưa có cơ sở xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS để đảm bảo chấp thuận đúng số lượng chứng khoán ROS được đăng ký giao dịch.
Do vậy, HNX sẽ xem xét thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCOM đối với cổ phiếu ROS của ROS sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về số vốn điều lệ hợp lệ và tính đại chúng của ROS.
2 quyết định đã liên tiếp được lãnh đạo HNX ban hành trong cùng ngày hôm nay, một mặt chấp nhận việc chuyển sàn cho FLC nhưng mặt khác đã dội nước lạnh vào cổ đông tập đoàn này.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Dân Trí)