Các cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh trong tuần, thị trường tiếp tục có xu hướng hồi phục.
Thị trường tiếp tục hồi phục trong tuần từ 13 – 17/7, VN-Index tăng 0,81 điểm (+ 0,1%) lên 872,02 điểm; HNX-Index tăng 1,156 điểm (+ 1%) lên 116,81 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 4.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,1% xuống 20.272 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,3% xuống 1.225 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 1% xuống 2.004 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,9% xuống 180 triệu cổ phiếu.
Đa phần các nhóm ngành trên thị trường đều tăng so với tuần trước đó, đáng kể nhất là dầu khí khi các cổ phiếu như PLX, PVD, PVS, PVB… đều tăng giá tốt.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra tương đối rõ nét, trong 5 cổ phiếu lớn ở nhóm ngành này là VIC của VinGroup, VHM của Vinhomes, VRE của Vincom Retail và NVL của Novaland thì chỉ có VIC và VHM kết thúc tuần ở trạng thái tăng giá so với tuần trước đó. Dù vậy, cả VIC và VHM đều không có được mức tăng tốt, trong đó, VIC chỉ tăng 0,1% còn VHM tăng 1,4%.
Hai cổ phiếu này trong tuần đã có những phiên biến động mạnh và ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của VN-Index cả ở chiều tăng và giảm. Trong khi đó, VRE và NVL giảm lần lượt 0,7% và 2,7%.
Đáng chú ý nhất trong nhóm bất động sản vừa và nhỏ là trường hợp của THD (Công ty Thaiholdings). Trong tuần, THD đã leo lên mức 95.000 đồng/cp, tương ứng gấp 6,3 lần so với mức giá 15.000 đồng/cp hôm chào sàn HoSE ngày 19/6. Tuy nhiên, THD đã “chịu” điều chỉnh ở 2 phiên cuối tuần trong đó giảm sàn ở phiên 16/7. Chốt tuần giao dịch, THD đứng ở mức 78.000 đồng/cp tương ứng giảm 2,5% so với tuần trước đó.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 13-17/7.
Các mã như C21 của Thế kỷ 21, RCL của Địa Ốc Chợ Lớn, PVR của Đầu tư PVR Hà Nội, SID của Đầu tư PT Sài Gòn Co.op… đều có diễn biến không mấy tích cực và giảm khá sâu trong tuần giao dịch vừa qua. Dù vậy, đa phần các cổ phiếu này đều có thanh khoản duy trì ở mức rất thấp.
Một cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ có yếu tố thị trường cao như SJS của SUDICO, DXG của Địa ốc Đất Xanh, VCR của Vinaconex – ITC, ITA của Đầu tư CN Tân Tạo hay AMD của FLC Stone cũng đều có diễn biến không được tích cực trong tuần vừa qua. DXG giảm 3,9%, VCR giảm 2,7%, ITA giảm 2,3%, AMD giảm 2,5%.
Ở chiều ngược lại, HU6 của PT Nhà và Đô thị HUD6 là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 19,3%. Trong tuần, HU6 tăng giá từ 5.450 đồng/cp lên thành 6.500 đồng/cp.
Trước đó, HĐQT HU6 đã thông qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 490 triệu đồng, hoàn thành 15% kế hoạch năm. HĐQT công ty cũng đặt kế hoạch sẽ đạt 2,71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ở 6 tháng còn lại của năm 2020.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 13-17/7.
Tiếp đến, cổ phiếu PTL của Petroland cũng tăng giá đến 15,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Hai cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 10% trong tuần từ 13 – 17/7 còn có VNI của ĐT BĐS Việt Nam và HD8 của PT Nhà và Đô thị HUD8.
Một số cổ phiếu bất động sản cũng gây được sự ấn tượng với nhà đầu tư đó là HQC của Địa ốc Hoàng Quân khi tăng giá 8,7%. Như vậy, HQC đã duy trì đà tăng tốt kể từ khi có thông báo về việc tổ chức có liên quan đến người nội bộ của Công ty là Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân hoàn thành việc bán ra 8,2 triệu cổ phiếu HQC vào ngày 8/7.
Mới đây, HQC đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với PHILUX Capital. Theo đó, PHILUX Capital sẽ cung cấp tới 200 triệu USD để hỗ trợ cho nhiều dự án nhà ở xã hội và các chương trình phát triển bất động sản khác mà HQC hiện đang thực hiện và phát triển.
Cổ phiếu D2D của Phát triển Đô thị số 2 cũng tăng giá tốt với 5,3% chỉ sau một tuần giao dịch. D2D đã công bố BCTC quý II/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, công ty lãi sau thuế quý II là 101,5 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, D2D đạt 150,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 81% so với nửa đầu năm 2019.
Tuấn Hào