Thị trường chứng khoán có sự hồi phục trở lại trong phiên 8/9 nhưng diễn biến chủ đạo vẫn là giằng co phân hóa. Khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tiếp tục tăng giá mạnh.
Thị trường sau phiên giảm mạnh hôm 7/9 đã có sự phục hồi trở lại, tuy nhiên đà phục hồi trong phiên 8/9 là khá mong manh khi áp lực vẫn còn rất lớn. Diễn biến chủ đạo của thị trường trong phiên là sự giằng co với biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh nên giao dịch là khá cân bằng.
Các cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ giúp VN-Index kết thúc phiên trong sắc xanh có MWG, SSI, GVR, HCM, CTG, FPT, VPB hay BVH. Trong đó, MWG tăng đến 3,1% lên 93.100 đồng/cp, SSI tăng 2,9% lên 15.800 đồng/cp, CTG tăng 2,2% lên 25.550 đồng/cp, FPT tăng 2,1% lên 49.500 đồng/cp, VRE tăng 2,2% lên 28.300 đồng/cp.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 8/9. Nguồn: NDH.
Ở chiều ngược lại, áp lực trên thị trường đến từ các cổ phiếu như VNM, CTD, VCB, VIC, ACB… Trong đó, VNM giảm 1,4% xuống 124.200 đồng/cp, VCB giảm 1,3% xuống 82.500 đồng/cp. ACB giảm 1% xuống 20.600 đồng/cp, đây cũng là một trong những cổ phiếu có tác động mạnh nhất đẩy HNX-Index giảm điểm.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 8/9. Nguồn: NDH.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa tiếp tục diễn ra rõ nét, trong đó, khá nhiều cổ phiếu giao dịch tiêu cực. E29, HU6, BII hay DTA đều bị kéo xuống mức giá sàn. CLG giảm 2,5% xuống 1.190 đồng/cp, SNZ giảm 2,1% xuống 32.000 đồng/cp, NTC giảm 1,9% xuống 205.400 đồng/cp, THD bất ngờ giảm đến 8,9% xuống 90.000 đồng/cp và có tác động lớn nhất lên HNX-Index khiến chỉ số này giảm điểm.
Tương tự như phiên 7/9, bất chấp thị trường chung gặp những khó khăn nhất định, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản vẫn bứt phá, trong đó, PPI, KHA, PFL hay HAR đều được kéo lên mức giá trần. HAR có thông tin hỗ trợ đó là việc công ty này sẽ đăng ký mua lại tối đa 3,5 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, tương đương với 3,45% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến cuối quý III hoặc đầu quý IV.
Bên cạnh đó, các mã có thanh khoản cao đều diễn biến tích cực như DRH tăng đến 6,7% lên 7.470 đồng/cp, TIG tăng 6% lên 7.100 đồng/cp, FIT tăng 4,6% lên 9.100 đồng/cp, PDR tăng 3,4% lên 33.700 đồng/cp, KBC tăng 1,5% lên 13.650 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,89 điểm (0,21%) lên 890,14 điểm. Toàn sàn có 249 mã tăng, 160 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,5%) xuống 124,8 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 73 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,31%) lên 58,82 điểm.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 8/9. Nguồn: Fialda.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 6.471 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 349 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.110 tỷ đồng. Trong số 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 8/9 chỉ có duy nhất một mã bất động sản là HQC với hơn 10 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng xấu khi bán ròng 428 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khối lượng bán ròng là 11,4 triệu cổ phiếu. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 429 tỷ đồng trong khi mua ròng nhẹ ở 2 sàn HNX và UPCoM. VRE được khối ngoại mua ròng mạnh với 17 tỷ đồng. KBC và VPI là 2 mã bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với lần lượt 6,8 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán MB (MBS), khi diễn biến thị trường có những dấu hiệu khiến nhà đầu tư cảm giác không chắc chắn thì thị trường lại khỏe bất ngờ cùng với thanh khoản giữ ở mức cao. Phiên 8/9 là một trong những phiên như vậy, khi cả thị trường tưởng chừng như chỉ số VN-Index sẽ quay về test ngưỡng 880 điểm sau phiên điều chỉnh trước đó thì thị trường lại tiếp tục được kéo lên và giữ vững mốc 890 điểm. Về mặt tâm lý, phiên tăng này mang lại hy vọng cho thị trường sẽ bước vào sóng tăng tiếp diễn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi thị trường có thể cần test lại quanh mốc ngắn hạn này và những phiên điều chỉnh có thể xảy ra để tạo đà bứt phá cho xu hướng tăng tiếp diễn.
Tuy nhiên, theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục trở lại với mức tăng yếu và thanh khoản có sự suy giảm so với phiên trước đó cho thấy, đây có khả năng chỉ là một phiên hồi kỹ thuật và thị trường có thể tiếp tục giảm trong phiên tới. SHS dự báo trong phiên giao dịch 9/9, VN-Index có thể sẽ giảm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm (fibonacci extension 38,2%). Những nhà đầu tư đã bán ra một phần danh mục quanh ngưỡng 900 điểm trong tuần trước đó và đầu tuần có thể tiếp tục canh những nhịp hồi phục lên quanh ngưỡng 900 điểm (nếu có) để chốt lời. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 870 điểm (MA20).
Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,8% còn Topix tăng 0,69%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,74%. Thị trường Australia cũng đi lên với ASX 200 tăng 1,06%. Thị trường Trung Quốc tăng với Shanghai Composite tăng 0,72% còn Shenzhen Component tăng 0,07%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 0,14%./.
Tuấn Hào