Nguồn cung mới được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai tiếp tục sụt giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân gần như ‘biến mất’ khỏi thị trường.
Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở. Dịch bệnh đã tác động đến hầu hết các phân khúc từ văn phòng, thương mại, căn hộ cho thuê cho đến BĐS du lịch.
Theo dự báo của HoREA, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu chính là ‘thời điểm vàng’ của thị trường bất động sản cả nước và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch CoViD-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới, như: Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là “Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai”, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Bên cạnh các chính sách được cơ bản tháo gỡ thì việc phát triển hạ tầng đồng bộ khu vực phía Đông Tp.HCM, cũng như đề án lập TP Thủ Đức là đô thị loại 1 cũng phần nào tác động đến thị trường BĐS. Khu vực Cần Giờ cũng được quy hoạch trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” trong những năm tới, cùng với đó là việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020 sẽ có ảnh hưởng đến BĐS vùng ven Tp.HCM trong tương lai.
Theo số liệu tổng hợp 9 tháng đầu năm của Sở Xây dựng Tp.HCM về việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, Sở đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 11 dự án (tăng 10 dự án, gấp 11 lần so với cùng kỳ 2019). Công nhận chủ đầu tư dự án 9 dự án (tăng 9 dự án, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ 2019). Chấp thuận đầu tư dự án 24 dự án (tăng 12 dự án, gấp đôi so với cùng kỳ 2019). Có ý kiến gửi Sở Kế hoạch Đầu tư về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 45 dự án.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, bão dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy với thế giới, làm đảo lộn mọi khía cạnh đời sống con người, kinh tế suy thoái nặng nề, ¼ việc làm bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi giá trị đứt gãy, thêm vào đó là tâm lý “lo sợ””cẩn trọng” cộng với biện pháp “cách ly địa giới và “giãn các xã hội” cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Theo TS.Võ Trí Thành nhiều phân khúc có tiềm năng lớn, mặc dù thị trường năm 2019/2020 “trầm” hơn, nguồn cung tại cả TP.HCM và Hà Nội hạn chế, trong khi đó giá nhà lại tăng cao. Phân khúc condotel, officetel cũng trầm lặng; thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Riêng bất động sản công nghiệp vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm và thêm dư địa phát triển.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý; trình tự và thủ tục được kiểm soát chặt chẽ hơn nhất là trong cấp phép và tạm dừng dự án; ở việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai (Giấy phép mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất…); thông tin (tính đầy đủ và minh bạch); xử lý tranh chấp…
“Đây là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh, địa phương; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn”, Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.
do thiếu nguồn cung trên diện rộng, giá căn hộ bình dân vẫn sẽ tăng từ 3 – 5% ở thị trường Hà Nội. Riêng TP.HCM, do nguồn cung đang ở mức suy kiệt, nên mức tăng có thể đạt 5 – 8%, thậm chí là 10% ở một số dự án.
Đối với phân khúc đất nền, các khu vực vùng ven Hà Nội (Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì), TP.HCM (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An đang bứt tốc rất nhanh. Ngay trong năm 2020, phân khúc đất nền tại các địa phương này đã tăng từ 3 – 10%, so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo đánh giá của Savills, các sản phẩm nhà ở đô thị hiện đang chiếm ưu thế hơn so với sản phẩm nghỉ dưỡng trong bối cảnh hiện tại. Những sản phẩm mới ra thị trường sẽ có thể giữ giá, hoặc tăng giá nhưng chỉ tăng khi chủ đầu tư/đơn vị phát triển & kinh doanh uy tín, sản phẩm chất lượng.
Do có những tác động tích cực từ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới, nhiều chuyên gia dự báo thị trường BĐS đang trên đà phục hồi trở lại.