Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối quý III/2022, các ngân hàng mới thực hiện hỗ trợ lãi suất trên 32 tỷ đồng trên 17.000 tỷ đồng dư nợ (cho khoảng 900 khách hàng), tương đương 2% mục tiêu cả năm. Có nhiều “điểm nghẽn” khiến gói vốn này chỉ giải ngân “nhỏ giọt” đã được chỉ ra.
Theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đối tượng được hỗ trợ 2% lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các ngành, gồm hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục, đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Phạm vi hỗ trợ gồm hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Riêng các doanh nghiệp thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng sẽ được hỗ trợ.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao cuối năm, song không phải đơn vị nào cũng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, kể cả vay thương mại, do không có tài sản đảm bảo và các ngân hàng đang cạn room tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của ngành là 14% và Ngân hàng Nhà nước kiên định với chủ trương không nới thêm room nên dư địa cho vay không còn nhiều trong 2 tháng cuối năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, “gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho doanh nghiệp, ai cũng muốn triển khai nhanh, song đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nên chứng từ phải chặt chẽ”. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không được từ chối các khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng, chứ không phải hạ chuẩn cho vay.
Nếu như lý do nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% là không có tài sản đảm bảo thì với hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp lại xuất phát từ việc địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Trong khi có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán…
Các chuyên gia cho rằng, sức ép tài chính với doanh nghiệp rất lớn nên việc bảo đảm nguồn vốn từ nay đến cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Ngân hàng Nhà nước cần nâng room tín dụng, Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng). Ngày 19/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về triển khai chương trình này.
Với quy mô của gói hỗ trợ này, ước tính, 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được hưởng lợi. Trong đó, các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện và 1,2 triệu tỷ đồng triển khai trong năm sau.
Tổng Hợp