Trước đây 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank do chưa được tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước nên không có nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi.
Bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại được nhận định có nhiều điểm tương đồng so với giai đoạn khủng hoảng 2012-2013. Thời điểm đó, thị trường có 3 điểm nghẽn chính là lượng hàng tồn kho rất lớn, dư thừa nhà ở thương mại diện tích lớn, thiếu nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội; nợ xấu tăng cao, trong đó chủ yếu là nợ xấu bất động sản gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng; người thu nhập trung bình, thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở.
Vào tháng 1/2013, Chính phủ ban hành gói tín dụng kích cầu tiêu dùng quy mô 30.000 tỷ đồng và cho phép chia nhỏ căn hộ lớn, chuyển dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội. Điều này đã giải quyết được 3 điểm nghẽn trên và tạo điều kiện cho 56.112 cá nhân tạo lập được nhà ở, giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013.
Còn hiện nay, thị trường bất động sản cũng xảy ra tình trạng lệch pha cung – cầu khi dư thừa nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đồng thời tồn kho lớn khi tính đến quý III/2022, số hàng tồn kho của 15 doanh nghiệp bất động sản lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán có giá trị 261.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng quan ngại là phần lớn hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, cần được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Trước thực tế đó, giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm tung gói kích cầu nhà ở xã hội như giai đoạn 2012-2013 nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, đưa thị trường bất động sản hồi phục và phát triển lành mạnh, bền vững, đảm bảo sự cân đối của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, suy thoái…
Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn ngân sách bố trí cho các dự án nhà ở xã hội cũng rất ít.
Để khắc phục những khó khăn trên, đầu năm 2021, Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Song, nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Nguyên do bởi tại Khoản 2, Điều 33 – Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định, trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank do chưa được tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước nên không có nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi.
Mặt khác, các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng gần như chưa được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội trong giai đoạn này. Thậm chí, cánh cửa vay ưu đãi càng hẹp hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa quy định các tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ được cho vay vốn tín dụng ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”, nhưng không được cho vay vốn tín dụng ưu đãi để “mua, thuê mua nhà ở xã hội”. Như vậy, cá nhân, hộ gia đình chỉ còn duy nhất phương án vay Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng để được vay thì phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng.
Tổng Hợp