Hiện nay, việc một số Bộ, ngành đề xuất siết chặt lại việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang có những phản ứng trái chiều. Một số thì đồng tình với đề xuất này với mục đích thanh lọc thị trường, nhưng một số khác lại quan ngại, việc siết chặt trái phiếu sẽ khiến thị trường bất động sản đổ vỡ.
TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư thị trường bất động sản.
Trái phiếu đang chia sẻ gánh nặng cho các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khi các doanh nghiệp cần huy động vốn phát triển dự án.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: Để dung hòa giữa 2 yếu tố vừa “siết chặt” nhưng không “cực đoan”, điều trước mắt là phải sửa Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong đó, việc sửa chữa Nghị định cần quy định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc cho việc phát hành trái phiếu, để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu họ đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một thị trường với sản phẩm mới đó là chứng khoán hóa các món vay bất động sản của ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng khi cho vay các món vay bất động sản và sau đó gom các món vay bất động sản lại rồi bán cho một cơ quan thuộc Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước, hay một công ty kinh doanh chứng khoán tầm cỡ có uy tín để ngân hàng thu hồi lại dòng vốn đã cho vay và tiếp tục dùng vốn đó cho vay các khách hàng khác.
Sau đó cơ quan nhà nước hay công ty chứng khoán đóng gói các món vay và phát hành trái phiếu trên cơ sở những gói này, hoạt động này được gọi là chứng khoán hóa.
Các món vay được đóng gói, được chứng khoán hóa, sản phẩm này bên Mỹ được gọi là Mortgage backed securities – MBS, là một loại chứng khoán hóa được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản.
Loại trái phiếu này được bán cho những nhà đầu tư có vốn dài hạn như các hãng bảo hiểm, các quỹ đầu tư và các công ty tài chính lớn của thế giới.
Chứng khoán hóa các món vay bất động sản, thị trường bất động sản có thể thu hút được những dòng vốn lớn và dài hạn từ những định chế tài chính như hãng bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế.
ộ Xây dựng đề nghị sửa đổi Nghị định 153, về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Không chỉ Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cũng liên tục phát đi thông báo sẽ rà soát lại quá trình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Sau một số vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định, các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc mạnh tay để làm trong sạch thị trường. Một số chuyên gia nhận định, đây là điều cần thiết, thế nhưng, nó lại khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khác lâm vào cảnh khó khăn.
Tổng Hợp