Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Tờ trình có nội dung cho phép DN hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng tài sản, trong đó có bất động sản (BĐS).
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản không dễ huy động tiền từ thị trường cổ phiếu, tức phương án huy động vốn chủ sở hữu không thực sự khả thi. Còn với tín dụng, quan điểm của NHNN là ưu tiên các dự án có khả năng hoàn thành, đã hoàn thiện pháp lý, tức các dự án chưa triển khai xây dựng sẽ khó được xem xét cho vay. Cùng với đó, áp lực về trái phiếu đáo hạn năm 2023 sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp địa ốc.
Thị trường trái phiếu DN tiếp tục trầm lắng trong tháng đầu năm nay. Trong khi đó, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn – khoảng 205.000 tỉ đồng, trong đó có 104.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS.
Báo cáo về thị trường trái phiếu DN tháng 1-2023 của FiinRatings cho thấy cả tháng chỉ ghi nhận một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công của Công ty CP Đầu tư Phan Vũ. Lô này có giá trị 110 tỉ đồng và lãi suất danh nghĩa 10,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm. Trái chủ mua duy nhất là Asia Pile Holdings.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng Phòng Phân tích tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh của FiinRatings, cho biết khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 1-2023 chỉ tương đương 2,1% so với tháng liền kề và bằng 0,5% cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu được ghi nhận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và phía cầu. Do đó, thị trường đặt kỳ vọng vào nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với giải pháp thỏa thuận về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng các điều khoản mới đi kèm.
“Việc triển khai quy định mới sẽ rất cần thiết trong thời gian tới bởi áp lực thanh khoản của DN đã thể hiện rõ ở giai đoạn cuối năm 2022 khi 12 DN phát hành trong ngành BĐS và năng lượng vi phạm nghĩa vụ nợ, chậm trả lãi và/hoặc gốc” – ông Tùng Anh nói.
Bình luận về giải pháp hoán đổi nợ trái phiếu bằng BĐS, TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng đây là giải pháp hết sức cần thiết bởi sẽ giúp DN giải phóng được hàng tồn kho, giảm áp lực về dòng tiền.
Theo chuyên viên phân tích Trần Minh Tiến, Công ty Chứng khoán Thành Công, việc bổ sung quy định DN phát hành và nhà đầu tư có thể thỏa thuận chuyển đổi thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành tài sản khác, trong đó có BĐS, cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe ý kiến các bên và tích cực hỗ trợ DN.
Các chuyên gia phân tích khi nhà đầu tư và DN đồng ý hoán đổi thanh toán bằng BĐS tức là chuyển từ giao dịch tài chính vay – trả bằng tiền sang phương thức mua – bán tài sản. Do đó, giao dịch phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng nghĩa dự án BĐS phải hoàn chỉnh về pháp lý, đáp ứng tiêu chí thuận mua vừa bán.
Dự thảo Nghị quyết được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra hôm 17-2.
Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.
Bên cạnh hoàn thiện các quy định pháp luật, dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án được dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỉ đồng vay ưu đãi; dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê, mua nhà vay.
Tổng Hợp
(Người Lao Động)