Từ khi Luật nhà ở 2005 ra đời đến nay mới quy định các dự án nhà chung cư sau khi đưa vào vận hành phải tổ chức đại hội nhà chung cư và bầu ra Ban quản trị.
Ở các chung cư lớn thì phí bảo trì lên đến trên 500 tỷ đồng, trong khi một doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có 1-2 tỷ đồng. Một tòa nhà trên 20 tầng thường phí bảo trì trên 20 tỷ đồng. Quy định trong 5 năm đầu tiên, người bảo hành là chủ đầu tư nên cư dân chỉ chi phí nhỏ như bảo trì thang máy, bơm nước…
Có những tòa nhà chung cư, Ban quản trị rất khéo léo và chia số tiền quỹ bảo trì gửi tiết kiệm với nhiều kỳ hạn như 13 tháng trở lên, còn lại gửi tiết kiệm 6 tháng và gửi không kỳ hạn để có thể rút ra chi dùng. Ví dụ 100 tỷ đồng gửi 13 tháng cũng có hơn 8 tỷ đồng sau một năm.
Mua nhà nhưng không được nhận, trong cuộc họp chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý sẽ bị ban quản trị phạt tiền là kiểu “bắt nạt” khiến cư dân bức xúc.
Không họp dân cư nhưng trưởng ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy… Cư dân nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.
HoREA cho rằng, Ban quản trị làm có trách nhiệm thì tiền đẻ ra tiền nhưng đây cũng là miếng mồi gây ra nhiều chuyện. Trước đây không ai muốn làm công việc Ban quản trị vì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng giờ người ta thấy Ban quản trị có quyền với quỹ bảo trì và nhiều loại phí, nhiều khoản thu không tên khác, tạo thêm thu nhập khá nhiều… nên giờ là thành một “nghề” làm Ban quản trị.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cả nước hiện có hơn 3.000 khu nhà chung cư. Riêng TPHCM có khoảng 1.440 khu nhà chung cư, trong đó có 474 khu xây dựng trước 1975 và những chung cư đã có từ 2005 trở về trước gần như không có Ban quản trị chung cư mà cư dân sử dụng hình thức như tổ dân phố để quản lý.
Trên thực tế, rất nhiều BQT chung cư thu kinh phí quản lý vận hành đối với cư dân chung cư là sai. Đơn vị quản lý vận hành chung cư là người thu, chi và báo cáo với BQT chứ BQT không được quyết, không được đụng vào, không được quy định mức giá, không được lập lờ trong việc này.
Bà Nguyễn Thị Châm cho biết, 3 căn hộ tại Phú Hoàng Anh do con trai bà mua cho bà để dưỡng già. Cả 3 căn hộ đã được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cấp sổ hồng cho chủ đầu tư là Công ty CP Phú Hoàng Anh từ ngày 14/1/2017. Sau đó, chủ đầu tư đã sang tên sổ hồng cho con trai bà tên Đỗ Hoàng Hưng, con trai tiếp tục tặng lại cho bà để dưỡng già. Tuy nhiên, ban quản trị lại không mở cửa cho bà vào nhận nhà.
Bà Châm đã bật khóc: “4 năm qua, tôi ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền của con cho, một mình đi gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, từ ban quản trị tòa nhà, đến UBND xã, UBND huyện Nhà Bè, thanh tra Sở Xây dựng, Ban giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường… Mỗi tờ đơn tôi gửi đi, mất 2-3 tháng mới nhận được trả lời, mang về nộp tại UBND huyện Nhà Bè để nhờ can thiệp… Thế nhưng, đến lúc này, ban quản trị nhà chung cư Phú Hoàng Anh không mở cửa cho tôi vào nhà”.
Ban quản trị hoạt động chưa được bao lâu thì chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng. Từ ngày thành lập 30/8/2018, chưa bao giờ Ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định, chưa bao giờ đối thoại với dân cư mặc dù liên tục được yêu cầu.
Vô lý hơn, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động của Ban quản trị, đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý Ban quản trị sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.
Trước những bức xúc của các cư dân sống trong chung cư, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định trước tiên người dân có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng và chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, cư dân có quyền sau 50 ngày được làm thủ tục cấp sổ hồng. Thứ ba, quyền được phục vụ và bầu ra BQT để quản lý, vận hành chung cư.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)