Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đã có 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ.
Trong phiên thảo luận chiều 31/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này; đồng thời ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo,xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
Bộ trưởng cho biết: “Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói này. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn. Thực tế các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực, ngành chủ lực của nền kinh tế, song vừa qua rơi vào tình cảnh “đóng băng”. Những ông lớn đầu ngành cũng phải “kêu cứu” và chấp nhận nhiều biện pháp “đau thương” như thu hẹp quy mô, giảm tối đa bộ máy, dừng hoặc chuyển nhượng bớt dự án để sống sót.
Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc dòng vốn, niềm tin, tâm lý nhà đầu tư.
“Phản ứng chính sách tháo gỡ cho bất động sản phải nhanh, kịp thời nhưng cũng cần thận trọng trước diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xử lý gỡ vướng cho bất động sản cũng để tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau.
Trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, để gỡ khó cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08.
Với quy định mới tại nghị định này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được phép đàm phán để kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Nghị định mới cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là gần 56 nghìn tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là hơn 282 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là hơn 362 nghìn tỷ đồng. Với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 21 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 99,6% có tài sản bảo đảm).
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, Nghị định số 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Tổng Hợp
(Thanh Tra, NSTT)