Đang có làn sóng mua vào cổ phiếu các doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA, theo đó, ngành tôm là một trong những lĩnh vực được cho là sẽ gặt hái lợi ích lớn ở hiệp định này.
Tôm Việt Nam được cho là sẽ có thêm nhiều cơ hội nhờ EVFTA
Đã không có “phép màu” nào cho phiên giao dịch chiều 13/5 diễn ra. Các chỉ số vẫn đi ngang và trượt theo đường tham chiếu cho đến hết phiên.
VN-Index giảm nhẹ 1,11 điểm tương ứng 0,13% còn 834,21 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm tương ứng 0,08% lên 111,86 điểm và UPCoM-Index tăng 0,09 điểm tương ứng 0,18% lên 53,73 điểm. Như vậy, VN-Index đã chính thức đánh mất chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp trong ngày hôm qua.
Thanh khoản vẫn duy trì cao với khối lượng giao dịch tại sàn HSX ở mức 374,6 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 6.750,83 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 61,04 triệu cổ phiếu tương ứng 509,3 tỷ đồng và trên UPCoM là 18,49 triệu cổ phiếu tương ứng 205,76 tỷ đồng. Tổng giá trị dòng tiền đổ vào thị trường trong ngày đạt 7.466 tỷ đồng.
Sắc xanh chiếm vai trò chủ đạo trong bức tranh chung của thị trường. Thống kê cho thấy có tới 430 mã tăng giá, 73 mã tăng trần so với 285 mã giảm và 30 mã giảm sàn.
Mặc dù vậy, VN-Index chịu sức ép do tình trạng sụt giảm tại một số mã lớn. Có thể kể đến: VJC giảm 2.500 đồng, VHM giảm 2.100 đồng, VIC giảm 2.000 đồng, SAB giảm 1.500 đồng, GAS giảm 800 đồng; VRE, BHN, VNM, VPB, MSN đều mất giá.
Do vậy, chỉ riêng VNM và VIC đã lần lượt gây thiệt hại cho VN-Index 2 điểm và 1,93 điểm. Các mã khác như VRE, GAS, VJC, SAB, VPB cũng nằm trong top những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.
Ngược lại, phía tăng cũng có BID, FPT, HVN, HPG, TPB, HDB, MBB, BVH… theo đó, cổ phiếu ngành ngân hàng nhìn chung đã có một phiên giao dịch thuận lợi. Riêng BID tăng 1.050 đồng lên 39.600 đồng và đóng góp cho chỉ số chính 1,2 điểm. Dù vậy, diễn biến này không đủ để tạo ra sức bật đột phá cho VN-Index.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu doanh nghiệp ngành tôm tăng giá mạnh. Cụ thể FMC của Thực phẩm Sao Ta tăng 2,1% lên 26.750 đồng; CMX của Camimex Group tăng trần lên 17.250 đồng; MPC của Minh Phú giảm 1.83% còn 26.800 đồng nhưng đây đơn thuần là hoạt động chốt lời cho mã này đã có chuỗi tăng liên tục nhiều phiên trước đó.
Diễn biến tăng của nhóm cổ phiếu này chủ yếu xuất phát từ hoạt động “đón sóng” Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) của giới đầu tư. Nhà đầu tư tin rằng, việc thực thi EVFTA sẽ giúp ngành tôm xâm nhập mạnh hơn vào thị trường châu Âu. Chưa kể, thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ cùng về 0%.
Đáng chú ý, mặc dù thị trường rung lắc đầu phiên sáng và giằng co trong suốt phiên chiều, khối nhà đầu tư ngoại hôm qua vẫn duy trì được trạng thái mua ròng. Trên toàn thị trường, khối ngoại mua ròng 75 tỷ đồng (nhưng về khối lượng lại bán ròng gần 5,8 triệu cổ phiếu).
Trong đó, hoạt động mua ròng tập trung tại một số mã như VNM với giá trị mua ròng 102,1 tỷ đồng, VCB với 80,6 tỷ đồng. Ngược lại, VIC bị bán ròng 123,3 tỷ đồng và VRE là 37,7 tỷ đồng.
Về triển vọng phiên 14/5, giới phân tích vẫn có cái nhìn thận trọng. Công ty chứng khoán SHS cho rằng, hôm nay, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm.
Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790- 800 điểm.
Tuy vậy, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn đang mạnh và hấp thụ tốt lực bán chốt lời. Xu hướng tích cực vẫn đang hiện hữu và chưa có dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.
Mai Chi