Sau khi Mỹ, EU công bố GDP quý II/2023, một loạt tổ chức đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2023 theo hướng lạc quan hơn. Theo các chuyên gia, kinh tế thế giới sẽ “hạ cánh mềm” từ nay đến cuối năm sau, bất chấp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
“Chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn đã cởi mở hơn, các thị trường tài chính phản ánh khá tích cực trong các tháng gần đây, song nhận định về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau, như phân tích của Ngân hàng Thế giới gần đây, là hơi chủ quan”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital thẳng thắn nhận định tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức hôm 8/8.
Nhà đầu tư đang lạc quan sau khi có số liệu về tăng trưởng kinh tế quý II/2023 của Mỹ và khu vực châu Âu, bất chấp kinh tế Trung Quốc đi xuống. Hầu hết các thị trường chứng khoán đã tăng 15-28% trong năm nay, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới thoát nguy cơ suy thoái cùng với chính sách thúc đẩy tăng giải ngân đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất… trong nước tạo sự hứng khởi cho các nhà đầu tư.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, sự phục hồi phụ thuộc nhiều vào mức độ phục hồi của các bạn hàng lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Cầu của các thị trường lớn này chưa thể nhanh chóng hồi phục, song có thể cải thiện vào quý III/2023 nhờ yếu tố mùa vụ (dịp Giáng sinh, năm mới) có thể giúp xuất khẩu đi lên từ đáy.
“Theo tôi, kinh tế Việt Nam đang ở đáy chữ U và sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn từ cuối năm nay, đầu năm 2024”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nhiều biến số đang đe dọa sự phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam. Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất, kinh tế Trung Quốc – động lực tăng trưởng của khu vực không như kỳ vọng.
Đặc biệt, “vòng xoáy” mới xuất hiện là sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành này trên toàn cầu, trong khi Mỹ, châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử, khiến chuỗi giá trị ngành này có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.
Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng, “lạm phát lòng tham” trỗi dậy (doanh nghiệp không chịu giảm giá), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất…, thì kinh tế thế giới vẫn khó khăn. Trong nước, lãi suất cho vay còn rất cao và tỷ giá tiềm ẩn rủi ro là các yếu tố không chỉ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, mà cả nhà đầu tư phải cảnh giác.
Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới xoay chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang linh hoạt, nới lỏng. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Mặc dù vậy, thanh khoản nền kinh tế vẫn suy yếu khi cung tiền tăng chậm, tín dụng tăng chậm do điều kiện giải ngân chặt.
TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ. “Theo tôi, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế này. Dự báo khó khăn còn đến năm 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.
Vấn đề quan trọng hơn, theo vị chuyên gia, là cải cách môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(ĐTCK)