Năm 2020 không phải là một năm khủng hoảng với quá nhiều hệ quả ghê gớm. Thị trường vẫn duy trì được sự ổn định, không hề đóng băng. Minh chứng là các dự án mở bán vẫn có giao dịch đều đặn, những dự án của chủ đầu tư uy tín và giữ được tiến độ tốt vẫn có độ hấp thụ mạnh.
nhận định 2020 là một năm khá trầm lắng với thị trường bất động sản. Dịch bệnh bùng phát vào đúng giai đoạn siết vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, giá nhà dường như không giảm, thậm chí ở một số phân khúc và địa phương lại có xu hướng tăng giá, đặc biệt ở khu vực vùng ven.
Đất nền và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc vẫn có nhiều điểm sáng trên thị trường. Đối với bất động sản công nghiệp, đây là phân khúc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng mở ra một cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển sôi động.
Đáng chú ý, đất nền vùng ven gần như “miễn nhiễm” với tác động của dịch bệnh, khi một số khu vực tại Hà Nội và TP.HCM vẫn có giao dịch khá sôi động, giá tăng nhẹ. Năm 2020, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cũng được kiểm soát, loại bỏ dần những rủi ro đối với thị trường.
Đã có những dự báo thị trường BĐS quý 4 sẽ ấm dần lên đến các quý đầu năm sau. Theo DKRA Vietnam, thông thường, cuối năm là thời điểm thị trường BĐS diễn ra các hoạt động tích cực, sôi nổi cả về nguồn cung và tiêu thụ.
“Năm 2020 có nhiều biến động và thị trường BĐS suy giảm mạnh, tuy nhiên theo dự báo, quý 4/2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng hơn so với quý 3/2020. Ước tính quý 4/2020 sẽ có khoảng 7.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Theo đó, bức tranh thị trường sơ cấp cuối năm 2020 đang dần sáng hơn”, DKRA Việt Nam nhận định.
Theo đơn vị này, sức cầu chung toàn thị trường có xu hướng tăng khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại với những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Trong đó, phân khúc hạng A tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nguồn cung mới mở bán. Thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C, thậm chí là không có. Trong khi đó, nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự có thể sẽ tăng so với quí 3, dao động ở mức 800 – 1.000 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn.
Còn Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nguồn hàng tại các dự án BĐS do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra. Tại các địa phương khác, nguồn hàng đưa ra thị trường chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai trước đó. Các dự án được phê duyệt mới sẽ được triển khai nhiều hơn, sau khi các địa phương ổn định bộ máy tổ chức sau Đại Hội. Nhiều dự án đấu giá đất sẽ được triển khai tại các địa phương để tạo ngân sách đảm bảo sự đầu tư phát triển cho nhiệm kỳ mới.
Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường BĐS. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) BĐS đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…
Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các DN BĐS niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 DN báo lỗ, 35 DN suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường BĐS đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.
Theo báo cáo về thị trường BĐS của CBRE, tỷ lệ tiêu thụ cả Hà Nội và TP.HCM luôn ở mức ổn định, riêng tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ hộ mở bán hầu như không đáp ứng nhu cầu, lượng tiêu thụ luôn ở mức cao, vượt nguồn cung.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, một điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam chính là BĐS công nghiệp mà lâu nay chúng ta chỉ nói đến một phần nào đó của phân khúc này mà không khắc hoạ được đầy đủ một bức tranh tổng thể. Hiện nay, việc đầu tư quy mô lớn vào các BĐS công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi…
Theo các chuyên gia, thời gian khó khăn đã qua và cơ hội sắp tới sẽ mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư vào ngành bất động sản, trong đó, cơ hội đầu tư BĐS cho trung và dài hạn là rất lớn.