Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, thanh khoản vẫn là vấn đề đáng lo ngại với các doanh nghiệp bất động sản, cho dù so với nửa đầu năm, rủi ro mất khả năng thanh toán hiện đã giảm bớt nhờ được gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và giãn nợ ngân hàng.
VNDirect ước tính, lượng trái phiếu đáo hạn của các nhà phát triển bất động sản đạt khoảng 65.900 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay và tăng lên hơn 124.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ đổ bộ vào Việt Nam thời gian tới được cho là cơ hội để các doanh nghiệp địa ốc trong nước tái cơ cấu danh mục tài sản để có nguồn tiền trả nợ cũng như duy trì hoạt động. Hầu hết nhóm nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện. Nhiều chủ đầu tư đang nắm giữ các dự án “sạch” có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo ra giá trị và lợi ích cho cả 2 bên.
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn FiinGroup cho biết, thị trường M&A dự án đã có sự thay đổi khi trước đây, các thương vụ do các tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện thường chiếm tỷ lệ lớn, thì từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A dự án khi các nhà phát triển bất động sản trong nước gặp khó khăn.
“Khó khăn của người này là cơ hội cho người khác, các doanh nghiệp nước ngoài xác định hiện là thời điểm thích hợp để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, số lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong từ đầu năm tới nay, tập trung vào 2 lĩnh vực địa ốc và ngân hàng”, ông Đồng nói và cho biết thêm, các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc) hoạt động tích cực nhất trên thị trường M&A trong nửa đầu năm 2023. Nhìn chung, hiện nay, những doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại nợ vẫn gặp nhiều khó khăn, còn với doanh nghiệp nợ ít, đây là giai đoạn tích lũy tài chính để đi thâu tóm dự án và những doanh nghiệp này vẫn “sống khỏe”.
Còn lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM nhận định, những doanh nghiệp có tài sản sạch đem bán để xử lý nợ thuộc nhóm còn cứu vãn được, trong khi trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp không còn khả năng xoay xở do dự án còn vướng pháp nên khó bán, tín dụng cũng khó tiếp cận.
VARS cũng dự báo, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ sau khi hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II/2023 đã chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III nên thị trường có thể sẽ chứng kiến những thương vụ thành công đầu tiên trong quý IV này, song số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện.
Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023, thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được triển khai tiếp. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn vốn để đầu tư cho những dự án khác. Khi các thương vụ M&A diễn ra thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)