Đến mùa họp đại hội cổ đông, việc này được mang ra chất vấn các chủ tịch ngân hàng. Cổ đông nhiều năm “nhịn” cổ tức tiền mặt, lãnh đạo nói về tương lai…
Cổ đông ngân hàng nhiều năm gần đây không được nhận cổ tức tiền mặt. Các ngân hàng hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh, tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
3 năm gần nhất, chỉ có BIDV, Vietcombank và VietinBank được phép trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính, song các nhà băng này thường xuyên đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
Theo ông chủ tịch một tổ chức chuyên về tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trả cổ tức tiền mặt từ vài năm nay nhằm mục đích củng cố hơn sức mạnh của các ngân hàng này nói riêng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung.
“Điều này góp phần không nhỏ giúp cho các ngân hàng vượt qua giai đoạn kém thanh khoản do tác động của thị trường trái phiếu năm 2022”, ông nói.
Theo vị này, về điều kiện và năng lực để trả cổ tức tiền, nhiều ngân hàng đã đủ, thậm chí vượt tiêu chuẩn về an toàn vốn cũng như một số tiêu chuẩn khác của Basel 3… Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực, hệ số an toàn vốn vẫn tương đối mỏng, cần bổ sung thêm vốn chủ sở hữu, làm dày hơn an toàn vốn.
Ông đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ nới dần việc trả cổ tức tiền mặt, chưa thể cho trả mạnh tay. Vị này nhận định năm nay một số ngân hàng sẽ được trả cổ tức tiền mặt nhưng tỷ lệ sẽ không cao. “Để trả cổ tức cao hơn với diện rộng hơn, có thể phải đến 2025”, ông nói.
Cổ tức là chủ đề “nóng” được cổ đông chất vấn nhiều nhất tại phiên họp thường niên của Sacombank, trong bối cảnh nhà băng này 6 năm liền không chia cổ tức.
Một cổ đông được ủy quyền nắm 16.000 cổ phiếu STB, nói nhiều người về hưu như ông chỉ mong vào nguồn cổ tức như khoản thu nhập dưỡng bệnh tuổi già. Việc phải chờ đợi quá lâu, khiến cổ đông lớn tuổi mất kiên nhẫn, bức xúc.
Chủ tịch Dương Công Minh nói thấu hiểu với mong mỏi của cổ đông, hy vọng họ cho ngân hàng thêm thời gian. Ngân hàng này đã nhiều lần xin chia cổ tức nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép sau khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu.
Ngân hàng là đơn vị tái cơ cấu, sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản nhưng còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê – mấu chốt để ngân hàng có thể chia cổ tức do đây là vướng mắc duy nhất khiến nhà băng này chưa thể tái cơ cấu.
“Tôi mong sang năm sẽ không phải nghe những lời chất vấn hay trách móc từ cổ đông nữa”, ông nói. Đồng thời, ông khẳng định sẽ chia toàn bộ 12.600 tỷ lợi nhuận giữ lại cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. Ông trấn an cổ đông: “Ngân hàng được chia là chia hết luôn, chia 100%, không giữ lại”.
Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết thêm, ngân hàng sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền khoảng 12.700 tỷ đồng.
“Tiền nằm đây để chuẩn bị sẵn sàng chia cổ tức hoặc tăng vốn, năm nay không chia thì tiền vẫn còn đó. Ngân hàng Nhà nước phải cho phép mới có thể chia”, bà nói.
Tại phiên họp thường niên năm nay, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank – ngân hàng nhiều năm không có kế hoạch chia cổ tức – tiếp tục nhận được chất vấn của cổ đông xoay quanh vấn đề này.
“Năm nay một số ngân hàng đã chia cổ tức tiền mặt, còn Techcombank vẫn chưa có kế hoạch? Giá cổ phiếu TCB đã giảm một nửa, giá này đã hấp dẫn chưa và vì sao ngân hàng chưa có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ?”, một cổ đông hỏi ông Hồ Hùng Anh.
“Ngân hàng không có động thái trả cổ tức hay hỗ trợ giá cổ phiếu là bất lợi với cổ đông nhỏ lẻ”, một cổ đông cho hay.
Theo ông Hùng Anh, cổ tức có 2 phần, gồm tiền mặt và cổ phiếu. Năm 2017, ngân hàng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu. Về cổ tức tiền mặt, ông cho rằng còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. “Quan trọng là đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo ngân hàng hoạt động hiệu quả”, ông nói.
Ông Hồ Hùng Anh nói quan tâm đến giá cổ phiếu, nhưng quan tâm hơn tới giá trị tổ chức. “Tôi luôn tin rằng giá trị tương lai của ngân hàng sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn, không có gì phải suy nghĩ. Đầu tư ngắn hạn không phải là sở trường của tôi”, ông trả lời.
Đối với việc mua cổ phiếu quỹ, HĐQT nhà băng này đã có ý định, nhưng khi làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thì chưa có quy định hướng dẫn mà đang hoàn thiện. Ông nói cổ đông đợi thông tin hướng dẫn chính thức.
Sau những trấn an của vị chủ tịch, đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.
Tổng Hợp
(Dân Trí)