Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị sửa đổi quy định dưới Luật về tách thửa đất ở, để không xảy ra tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để phân lô bán nền tràn lan. Sửa đổi quy định về tách thửa đất ở có ngăn được tình trạng phân lô bán nền ồ ạt?
HoREA nhận thấy, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP tại thời điểm năm 2014 đã không có quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất, mà chỉ quy định trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất.
Mãi đến năm 2017, khoản 3 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP mới cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Sau đó, khoản 23 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 75a Nghị định 43/2014/NĐ-CP giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
HoREA cho biết từ năm 2017 đến nay, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” đã nhiều lần gây ra các cơn “sốt ảo” giá đất đi liền với tình trạng phân lô bán nền tràn lan tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, mà một trong các nguyên nhân có thể bắt nguồn từ “bất cập” của một số quy định dưới Luật cho phép “tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở”.
Điều này đã dẫn đến tình trạng các đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương lợi dụng để phân lô bán nền tràn lan, gây ra các cơn “sốt ảo” giá đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo hướng: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Trường hợp có phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ trong cùng thửa đất ở, hoặc thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ trong đất đô thị, điểm dân cư nông thôn thì xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, đồng thời với việc tách thửa đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất.
Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật.
Khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ NNPTNT và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý. Kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.
Đối với Bộ NNPTNT, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản tại các tỉnh nhằm giảm áp lực lên rừng.
Tổng Hợp