Lộ diện Top 10 lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2023, một nhà băng thăng hạng ngoạn mục từ vị trí thứ 6 lên á quân.
Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Mức lãi của Vietcombank cũng bỏ xa những ngân hàng còn lại, chẳng hạn gấp 1,5 lần so với ngân hàng đứng thứ 2 là BIDV.
Với mức lãi trước thuế hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, BIDV có bước nhảy ngoạn mục, từ vị trí thứ 6 cùng kỳ năm ngoái vươn lên vị trí á quân trong nửa đầu năm nay. Đây cũng là mức lãi cao nhất lịch sử mà BIDV đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Đứng thứ 3 là MB với lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. MB cũng gây ấn tượng mạnh về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, đạt 37%, cao nhất hệ thống.
VietinBank đứng thứ 4 với khoảng cách suýt soát với MB, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Cả 4 ngân hàng top đầu đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 2 và luỹ kế 6 tháng.
Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 5, đạt hơn 11.200 tỷ đồng trong 6 tháng, giảm 20% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng âm nhưng kết quả này vẫn đang theo đúng dự kiến của ngân hàng, đạt 51% kế hoạch cả năm.
Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng là ACB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Vị trí thứ 7 – 8 – 9 lần lượt là SHB (6.073 tỷ), VIB (5.642 tỷ) và HDBank (5.484 tỷ). Cả 3 ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
VPBank là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất trong Top 10. Ngân hàng mẹ VPBank có lãi trước thuế gần 7.900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên việc công ty con FE Credit thua lỗ đã kéo lợi nhuận hợp nhất nhà băng này xuống còn hơn 5.100 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của HDBank tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 483.936 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 430.123 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%; tổng dư nợ đạt 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế đạt 5.484 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ và nối mạch tăng trưởng 10 năm liên tiếp. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,01%, duy trì vị thế ở nhóm đầu trên thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt tới 12,3%.
Trong kỳ công bố, HDBank có tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) chỉ ở mức 70,96%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn 85% quy định. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 11,2%, chưa tới 1/3 so với giới hạn 34% quy định hiện hành.
6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng sử dụng kênh số của HDBank tiếp tục tăng mạnh gần 70%, ứng với giá trị giao dịch tăng 132% so với cùng kỳ.
Đầu tháng 7 vừa qua HDBank công bố đã hoàn tất việc triển khai toàn diện Basel III.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong quý 2/2023 đạt 6.223 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt 12.735 tỷ, tăng 7%. Với kết quả này, MB đứng thứ 3 trong hệ thống về lợi nhuận, sau BIDV (13.862 tỷ), Vietcombank (20.499 tỷ) và đứng trước VietinBank (12.531 tỷ).
Với riêng ngân hàng mẹ MB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 11.950 tỷ đồng, tăng 11,7%.
Trong khi quý 2/2022 của NCB bị lỗ hơn 6 tỷ đồng thì quý 2 năm nay khá tích cực, NCB đã có lãi hơn 8 tỷ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 14 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản NCB ở mức 84.616 tỷ đồng, giảm 5,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,1% lên 48.246 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,4% xuống 70.381 tỷ.
Tổng Hợp