Phiên giao dịch ngày 26/8, thị trường chứng khoán lại quay đầu giảm mạnh, trong đó chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm và lùi về 1.301,12 điểm. Thanh khoản trên HoSE đạt hơn 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm đáng kể so với các phiên trước. Có 18 mã cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó dẫn đầu là CTG của VietinBank.
Cổ phiếu ngân hàng được phiên hồi phục ấn tượng thì sang hôm nay lại chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch, có tới 18 mã trong tổng số 27 mã giao dịch trên 3 sàn ghi nhận sụt giảm, chỉ có 7 mã tăng giá và 2 mã quay về tham chiếu.
Dẫn đầu đà giảm là CTG của VietinBank khi để mất tới 3%, tương đương 950 đồng xuống còn 31.200 đồng/cổ phiếu, tiếp đến là TPB của TPBank giảm 2,3% tương đương 800 đồng xuống 34.100 đồng/cổ phiếu, LPB của LienVietPostBank và BID của BIDV cùng giảm 2,2%. Ngoài 4 cổ phiếu trên, các mã như VIB, TCB, MBB, NVB, OCB và ACB cũng giảm mạnh từ 1,5 – 1,7%.
Ở nhóm tăng giá, SHB là cổ phiếu tăng tốt nhất với mức tăng 2,5% tương đương 700 đồng lên 28.200 đồng/cổ phiếu. SHB được hỗ trợ tích cực ngay từ đầu phiên sau thông tin về thương vụ bán 100% công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. SHB không thông báo về giá trị thương vụ, tuy nhiên chia sẻ với tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.
HDB của HDBank hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Sau điều chỉnh giá, cổ phiếu HDB điều chỉnh về 27.050 đồng, từ mức 33.800 đồng đóng cửa phiên 25/8. Kết thúc phiên 26/8, HDB giảm nhẹ 200 đồng về 26.850 đồng/cổ phiếu. Xét về thanh khoản, SHB hôm nay được giao dịch nhiều nhất, với hơn 28,4 triệu đơn vị. CTG đứng thứ hai với 21,1 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 cổ phiếu có giao dịch trên 20 triệu đơn vị, các cổ phiếu ngân hàng còn lại hầu hết có thanh khoản thấp hơn các phiên trước.
Về giao dịch khối ngoại, MBB vẫn là cổ phiếu được săn đón nhất, hôm nay khối ngoại mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu. STB đứng thứ 2 khi được mua ròng khoảng 500 nghìn cổ phiếu, HDB được mua ròng gần 300 nghìn cổ phiếu. Ngược trở lại, CTG của VietinBank bị bán ròng nhiều nhất với hơn 2,6 triệu đơn vị.
Phiên tăng điểm nhẹ trong phiên sáng đã không thuyết phục được nhà đầu tư, khi phiên chiều mới chỉ diễn ra được ít phút, áp lực bán đã gia tăng và tập trung ở không ít bluechip đã khiến VN-Index lao nhanh xuống dưới tham chiếu và có thời điểm về gần 1.925 điểm, trước khi được nhấc nhẹ lên mốc 1.300 điểm khi đóng cửa.
Thị trường đang diễn ra theo kịch bản khá dễ đoán định. Phiên hôm qua (25/8), như đã đề cập là một phiên hồi phục kỹ thuật điển hình với giá xanh và thanh khoản thấp, do vậy, việc thị trường quay trở lại xu hướng giảm điểm chiều nay cũng không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, một phiên giảm điểm với thanh khoản thấp là một dấu hiệu tích cực hơn là tiêu cực vì nó cho thấy lực bán đang yếu đi. Quan trọng hơn là chỉ số không giảm quá sâu, VN-Index nằm trên ngưỡng hỗ trợ (tâm lý) 1.300 điểm, mở ra hy vọng về khả năng tích lũy tạo đáy ở vùng này. Tất nhiên, cần phải thêm một vài phiên nữa để khẳng định điều này.
Có một chi tiết cần lưu ý với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm chiếm tỷ trọng gần 30% chỉ số VN-Index, đó là việc tiếp tục suy yếu tiêu cực. Những tưởng nhóm này khi về vùng giá tháng 7 sẽ bật lên, nhưng khả năng điều này sẽ không diễn ra. Hôm nay, CTG và BID đã chính thức thủng đáy tháng 7, báo hiệu đà giảm giá còn tiếp tục. Nếu các mã nhóm ngân hàng đều như vậy thì chắc chắn VN-Index sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, điều may mắn đang diễn ra. Các nhà đầu tư dường như đã quen dần với sức nặng của chỉ số chung mà nhóm vốn hóa lớn gây nên, để mở ra một “sân chơi mới” ở nhóm vốn hóa nhỏ và vừa hoặc những mã có câu chuyện riêng. Phiên giảm điểm hôm nay, ở góc độ này, tiếp tục tích cực khi số mã tăng giá lớn hơn số mã giảm giá, và số mã tăng trần còn ấn tượng hơn với 21 mã trên HOSE (phiên hôm qua là 18).
Dòng tiền vẫn miệt mài tìm những cơ hội mới, và nhà đầu tư chưa nên vội rời thị trường bởi năm đặc biệt thì chứng khoán là đặc biệt. Chốt phiên, sàn HOSE có 189 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index giảm 8,43 điểm (-0,64%), xuống 1.301,12 điểm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 524,3 triệu đơn vị, giá trị 17.763,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 8 triệu đơn vị và hơn 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,4 triệu đơn vị, giá trị 1.053,3 tỷ đồng.
Nếu như ở phiên sáng, các bluechip trong rổ VN30 còn tương đối cân bằng, thì sang phiên chiều đã bị sắc đỏ lấn át và không ít đã giảm tương đối mạnh và gây áp lực đến chỉ số.
Tĩnh Kiên