Việc tăng vốn của các doanh nghiệp đã cho thấy chức năng quan trọng của thị trường chứng khoán trong vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn của nền kinh tế. Nhưng những doanh nghiệp IPO liệu có tài sản đảm bảo và khả năng về tài chính như thế nào khi Phát hành ra đại chúng, hay là chiêu trò “phát hành giấy, lấy tiền thật”.
Theo các công bố thông tin được cập nhật đến ngày 13/4/2021, FinnGroup đã thống kê được, có tới 54 doanh nghiệp niêm yết dự kiến phát hành thêm 4,2 tỷ cổ phiếu để huy động gần 44.700 tỷ đồng qua phát hành tăng vốn trong thời gian tới, gần bằng 1,6 lần tổng giá trị phát hành trong năm 2020 và 2,3 lần so với quý I vừa qua. Như vậy, bên cạnh sự bùng nổ của kênh phát hành trái phiếu vào năm 2019-2020, năm 2021, TTCK đã thể hiện vai trò lực đỡ quan trọng trong huy động vốn qua phát hành cổ phiếu.
Tính toán của nhiều quỹ đầu tư cho thấy, nếu cả kênh phát hành trái phiếu và cổ phiếu được triển khai tốt, việc huy động vốn đầu tư xã hội cho nền kinh tế sẽ ngày càng đa dạng, thay vì chỉ trông chờ vào các ngân hàng như bấy lâu nay.
Nhiều nhà đầu tư châm biếm đây là chiêu “bán giấy lấy tiền”, không ít doanh nghiệp còn được phong là “vua giấy lộn”, “trưởng ban pha loãng”… Khi lực cầu trên thị trường suy yếu, giá cổ phiếu lao dốc, lại thêm áp lực phát hành khối lượng lớn, pha loãng giá trị, nhiều nhà đầu tư buộc phải chọn cách từ bỏ quyền cổ đông trước ngày chốt. Câu hỏi đặt ra là năm nay, kịch bản quá khứ có lặp lại?
Động thái tài chính “lạ” của Khải Hoàn Land
Thương vụ IPO của Khải Hoàn Land đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi doanh nghiệp này đang có khá nhiều câu chuyện riêng liên quan đến vấn đề tài chính cùng những động thái “lạ” từ các cổ đông lớn ngay trước thềm IPO.
Kể từ khi thành lập đến trước năm 2020, Khải Hoàn Land hoạt động khá mờ nhạt. Gần đây nhất, trong giai đoạn 2017-2019, quy mô vốn của doanh nghiệp luôn thiết lập ở con số 1.000 – 3.000 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh èo uột, lợi nhuận chỉ dao động xung quang mức 10-16 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đến năm 2020 – cũng là thời điểm doanh nghiệp lên kế hoạch IPO, các chỉ tiêu kinh doanh của Khải Hoàn Land tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, doanh nghiệp đạt 303 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 97 tỷ đồng lãi sau thuế, trong khi năm 2019 lần lượt là 137 tỷ đồng và 10 tỷ đồng, tăng 121,2% và 825%.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng giá trị tài sản của Khải Hoàn Land đạt hơn 2.370 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Trong đó, tổng khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn lên mức gần 1.992 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản. Trong khoản phải thu ngắn hạn 675 tỷ đồng, gần 165 tỷ đồng phát sinh từ CTCP Bất động sản Khải Minh Land. Ngoài ra, trong năm, Khải Hoàn Land còn có khoản phải thu dài hạn của Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh là 800 tỷ đồng, cùng kỳ không có.
Theo nhận định của một chuyên gia, về mặt lý thuyết, tài sản của doanh nghiệp là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp mà tổng tài sản chiếm đa số là các khoản phải thu lại là một “điểm gợn” không hề nhỏ, vì nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng khoản mục này trong việc giấu lãi/lỗ nhằm xử lý báo cáo tài chính. Nợ phải trả trong năm 2020 của Khải Hoàn Land cũng tăng mạnh từ 138 tỷ đồng lên 612 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh các khoản vay và nợ thuê tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp đã có 5 lần huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 361 tỷ đồng.
Thay vì chào bán cổ phiếu của công ty ra công chúng để tăng vốn điều lệ, Khải Hoàn Land lựa chọn chào bán cổ phần của một cổ đông lớn ra công chúng nhằm đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trước khi niêm yết cổ phiếu. Khải Hoàn Land sẽ đưa 16 triệu cổ phiếu KHG ra chào bán trong đợt IPO tới và đây có thể là số cổ phiếu của ông Phan Tuấn Nghĩa – con trai của bà Nguyễn Lệ Thuý – chị gái của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khải Hoàn. Thời gian tổ chức đấu giá sẽ được thực hiện vào ngày 19/4.
Được biết, hồi tháng 8/2020, ông Nghĩa đã mua 9,4 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ trong đợt phát hành tăng vốn của Khải Hoàn Land với giá 10.000 đồng/cp và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,8% vốn điều lệ. Ông Nghĩa nhận chuyển nhượng thêm cổ phần từ ông Nguyễn Khải Hoàn và Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu, nâng số cổ phần sở hữu lên hơn 39,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 24,7% vốn của Khải Hoàn Land. Giá chuyển nhượng cổ phiếu trong các giao dịch này không được tiết lộ.
Ngoài ông Nghĩa, theo bản cáo bạch của đợt đấu giá, cổ đông lớn nhất của Khải Hoàn Land là ông Nguyễn Khải Hoàn nắm giữ 57,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 36% vốn; thứ hai là bà Trần Thị Thu Hương – vợ ông Hoàn, nắm giữ 25,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 16% vốn. Theo công ty tư vấn đợt đấu giá, dù mức giá khởi điểm cho mỗi cổ phần mà ông Nghĩa chào bán là 10.000 đồng, nhưng mức giá cổ phiếu Khải Hoàn Land theo phương pháp định giá so sánh P/B là hơn 18.000 đồng/cp.
Giả sử đấu giá thành công lượng cổ phần nói trên tại mức 18.000 đồng/cp, ông Nghĩa sẽ thu về khoảng lợi nhuận khoảng 128 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc Khải Hoàn Land không thu được lợi ích gì từ đợt IPO này.
Tài sản của Khải Hoàn Land chủ yếu nằm bên ngoài thông qua việc góp vốn, hợp tác với các đối tác.
Con làm “dịch vụ” lấy tài sản của “mẹ” đi IPO
Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, DXS) chiều 29/3 mới công bố phương án chào bán 71,66 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, 35,88 triệu cổ phiếu do cổ đông hiện hữu là Tập đoàn Đất Xanh chào bán và phần còn lại do công ty phát hành tăng vốn.
Ban lãnh đạo Đất Xanh Services cho biết, phần tiền thu được từ việc công ty mẹ chào bán cổ phiếu sẽ dùng mở rộng quỹ đất, phát triển các dự án và khu đô thị trong thời gian tới. Các dự án phát triển từ nguồn tiền này sẽ do DXS độc quyền phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ sau bán hàng.
DXS đã chọn hình thức IPO bằng việc các cổ đông hiện hữu bán giảm sở hữu trước khi niêm yết trên sàn. Theo thông tin giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Dịch vụ bất động sản Đất Xanh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới sơ cấp, thứ cấp, quản lý tài sản, dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác. Công ty được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trải qua 19 năm, vốn điều lệ đã tăng gấp 4,03 lần so với thời điểm thành lập ban đầu.
Trong một báo cáo giới thiệu về DXS của SSI, các hoạt động của DXS được liệt kê gồm môi giới truyền thống và môi giới tư vấn toàn diện, quản lý dự án, dịch vụ tài chính… Thị trường chưa ghi nhận những dự án được DXS quản lý và cung cấp dịch vụ tài chính.
Một số nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm tỏ ra thận trọng với cổ phiếu chưa lên sàn, nhất là khi họ từng “ngậm trái đắng” trong quá khứ, giá giảm và bị chôn vốn sau khi tham gia IPO. Một nhà đầu tư nhận xét, trường hợp DXS, doanh nghiệp này dự kiến sẽ lên sàn sau IPO nên yếu tố thanh khoản không đáng ngại, nhưng nếu xác định giá mua không hợp lý, tức ở mức cao so với giá trị thực, hoặc nhận định sai về quan hệ cung – cầu và triển vọng doanh nghiệp cũng như xu hướng thị trường chứng khoán sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Việc doanh thu và lợi nhuận DXS chủ yếu đến từ dịch vụ môi giới bất động sản sẽ khiến DXS đối mặt với rủi ro hoạt động kinh doanh là phụ thuộc lớn vào tiến độ mở bán của các dự án bất động sản cũng như sức tiêu thụ của thị trường. Điều này phần nào có thể thấy qua Dự án Gem Riverside – đại dự án của DXG đã nhiều lần được kỳ vọng hoàn tất thủ tục pháp lý, nhưng rồi đến nay vẫn khiến công ty mẹ của DXS cũng như nhiều khách hàng “mắc kẹt”.
Trong khi đó tham chiếu qua lĩnh vực xây dựng dân dụng, vốn cũng là nhóm có kết quả kinh doanh phụ thuộc lớn vào tiến độ các dự án bất động sản, kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong số này năm nay khá thận trọng.
Kiên Cương