Theo các chuyên giam bất động sản không tránh khỏi nằm trong cơn bão khó khăn chung. Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm.
COVID-19 hiện đã và đang tác động tiêu cực bao phủ lên hầu hết các thành phần kinh tế. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, khi Việt Nam đã xuất hiện làn sóng COVD-19 thứ 2, ông thiên về tình huống xấu nhất, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 1,5%-2% trong năm nay.
Ông Lực cho biết, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản là ngành nghề có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, bao gồm du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng đang đứng trước những khó khăn rất lớn.
“Bản đánh giá 15 lĩnh vực chính, đóng góp tới 80% GDP mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy, bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19. Theo đó, trong đề xuất với Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị cần hỗ trợ mạnh thị trường bất động sản”, ông lực cho hay tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 – 2021: Sẵn sàng chu kì mới”, do BizLIVE vừa tổ chức.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, trong những tháng qua, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ thủ tục pháp lí dường như chưa thực sự ngấm được vào thị trường.
Mỗi một chính sách, chủ trương, quyết định cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, soạn thảo 1 văn bản thường mất từ 3-5 tháng và có lẽ cần thời gian tương đương nữa để đi vào được cuộc sống.
Mặc dù chịu tác động rất lớn nhưng theo Chủ tịch FLC, COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực bất động sản. Cho đến nay, chưa mấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng bất động sản.
Ông Quyết cho rằng, nếu đã đầu tư bất động sản bài bản và qui mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1-2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.
“Với mảng bất động sản của FLC, COVID-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không”, ông Quyết cho hay.
Theo ông Quyết, về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu thua lỗ chẳng qua là “theo phong trào”.
Nói thêm về điều này, ông Quyết cho rằng nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, kiểu như vài tháng rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Nếu rút như vậy 90% là thất bại. Có thể kể đến câu chuyện Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang… Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả, còn nếu theo phong trào như nói ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả.
Với qui trình thủ tục pháp lí hiện nay, việc hoàn thiện dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với bất động sản đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm…, qui trình phải mất ít nhất 3 – 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống.
Ông Quyết cho rằng, các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ khó mà theo được với qui trình này. Đồng thời, ông cũng đưa ra dự báo thị trường bất động sản những năm tới còn nhiều cơ hội, bởi số lượng các dự án ra thị trường nay đến năm sau là không nhiều, trong khi chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Cựu Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, COVID-19 đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam.
Đồng thời, căng thẳng Mỹ – Trung Quốc giúp Việt Nam là “ngư ông đắc lợi”. Ông Hưởng cho biết có nhiều bạn bè đã đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam.
Cựu Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank dự báo sau chứng khoán và vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. “Đầu tư vào đất chỉ có lãi”, ông Hưởng nói.
Mặc dù thị trường bất động sản luôn có cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, muốn thành công, nhà đầu tư cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau: 1) Đầu tư nhìn theo hướng trung và dài hạn bởi lướt sóng hay đầu cơ ở thời điểm này là rất khó; 2) Không theo phong trào; 3) Không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều; 4) Đa dạng hóa kênh đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính Phó Tổng thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng, điều quan trọng là nhà đầu tư có bao nhiêu tiền. Nếu có ít tiền thì nên đầu tư vào ngân hàng vì an toàn và vẫn sinh lợi; nhiều tiền hơn một chút thì có thể xem xét đến nhiều kênh hơn như vàng, chứng khoán; còn thực sự có nhiều tiền thì mới nên đầu tư vào bất động sản.
“Nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì tôi khuyên là chưa nên tham gia vì chúng ta chưa thể biết tình hình COVID-19 đến khi nào được kiểm soát”, ông Đính khuyến nghị.
Hoàng Trung
Theo Kinh tế & Tiêu dùng