Chứng khoán trong nước giảm mạnh có thể được giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Điển hình như một số cá nhân lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo…
Sau khi nhúng đáy 874 điểm, VN-Index đã có sự hồi phục tích cực từ nửa cuối tháng 11, và nếu tính đến phiên 16/12/2022, tức chỉ sau một tháng, chỉ số này đã tăng gần 200 điểm. Cùng với sự đi lên của chỉ số, thanh khoản được cải thiện rõ rệt khi ghi nhận giá trị giao dịch tăng gấp đôi, đạt 17.000 – 22.000 tỷ đồng/phiên. Riêng phiên 6/12, thanh khoản sàn HoSE đạt 23.533 tỷ đồng, cao nhất trong 8 tháng qua.
Đà phục hồi của thị trường chung song hành cùng với những phiên tăng trần liên tiếp của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản, khi công cuộc giải cứu nhóm cổ phiếu này sau hàng loạt phiên giảm sàn liên tiếp đã thành công, lượng hàng bán giải chấp lên tới hàng chục triệu tại các mã như PDR, NVL, DIG hay CEO được hấp thụ hết. Qua đó tạo hứng khởi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh động thái bắt đáy của nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng hàng loạt cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài cũng trở thành lực đẩy quan trọng cho thị trường trong đợt phục hồi thời gian qua.
Việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị khởi tố do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp làm mất niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường vốn nói chung, bao gồm cả TTCK. Điều này khiến không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn.
Chưa kể, động thái tăng mạnh lãi suất nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng cao cũng khiến một phần dòng tiền từ đầu năm dần rút khỏi thị trường chứng khoán, quay lại sản xuất kinh doanh và qua các kênh an toàn hơn như gửi ngân hàng, trái phiếu ngân hàng, trái phiếu chính phủ, khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán thiếu hụt đột ngột.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực việc chứng khoán Việt sụt giảm mạnh còn do áp lực giải chấp. Theo chuyên gia này, khi lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Vòng xoáy giải chấp này đã diễn ra rất mạnh trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 vừa qua.
Trái với sự phát triển thăng hoa trong năm 2021, thị trường năm 2022 đã diễn ra với những chuyển biến không mấy khả quan. Theo đó, sau khi lập đỉnh 1.528 điểm vào tháng 4/2022, chỉ số chính VN-Index bước vào chu kỳ giảm giá (downtrend) kéo dài đến giữa tháng 11, với mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm được thiết lập trong phiên 16/11. Mức đáy này đã đánh dấu việc thị trường chứng khoán sụt giảm tới 43% giá trị chỉ trong vòng 7 tháng và đưa VN-Index vào nhóm chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất thế giới.
Nhịp giảm sâu của thị trường khiến hàng loạt nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng, không chỉ penny, mà nhà đầu tư cổ phiếu midcap, bluechip cũng “bốc hơi” 40-60% tài khoản từ đầu năm. Thậm chí không ít người cháy tài khoản, làn sóng “call margin” còn lan sang cả lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, từ đó tạo áp lực mạnh đè nặng chứng khoán Việt.
Tình trạng bán tháo xảy ra nhiều tuần liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, tê liệt, trong khi bên cầm tiền duy trì tâm lý chờ đợi giá giảm thêm dù đa số cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn. Chưa kể, dòng tiền trên thị trường còn phải cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng. Dẫn đến thanh khoản bình quân toàn thị trường trong tháng 11 thu về quanh mức 11.000 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng một phần ba so với giai đoạn đầu năm 2022.
Bên cạnh yếu tố về thanh khoản, số lượng tài khoản mới giảm sâu cũng là tín hiệu cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán hạ nhiệt đáng kể. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân chỉ mở mới 88.334 tài khoản, chạm đáy 21 tháng.
Chứng khoán trong nước giảm mạnh có thể được giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Điển hình như một số cá nhân lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán một hay một số mã cổ phiếu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên TTCK.
Ủy ban Chứng khoán đưa ra một số nguyên nhân. Đó là biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Fed trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Kinh Tế Đô Thị)