Theo giới chuyên gia, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời tới đây là bước đi cần thiết để áp dụng các giải pháp xử lý nợ cao hơn. Chứng khoán hóa nợ xấu vẫn chưa sẵn sàng được thực hiện do thiếu hành lang pháp lý.
Dù Nghị quyết 42/QH14 của Quốc hội đã đề cập đến sàn giao dịch nợ xấu, nhưng chưa có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu để tạo hành lang pháp lý triển khai công cụ này.
So với năm 2013, đến nay thị trường mua bán nợ đã có hoạt động tốt hơn. Quy mô TTCK từ chỗ tương đương 31% GDP, nay đã đạt 90,4% GDP. Các sản phẩm tài chính phái sinh đã có, đi cùng là sự thu hút quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân… Nhưng vấn đề mấu chốt lúc này vẫn là hành lang pháp lý: Chưa có quy định chính thức nào “bật đèn” cho hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 có thể sẽ mang đến những hệ lụy mới đối với hệ thống ngân hàng. Đặc biệt theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam, ngân hàng đang tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở hôm nay và tạm đẩy rủi ro về tương lai. Rủi ro đó chính là nợ xấu với cơ chế dồn lại, được xử lý ngắt đoạn trong 3 năm. Liệu đây có là quãng thời gian đủ đề bàn lại về chứng khoán hóa nợ xấu?
Cơ chế chuyển nợ xấu thành vốn góp đã có, ý tưởng chuyển nợ xấu thành một hàng hóa để mang lên giao dịch trên sàn chứng khoán đang được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, chứng khoán hóa nợ xấu ở Việt Nam chỉ là một “giấc mơ lãng mạn”. Một khi tảng băng nợ xấu khổng lồ giai đoạn trước được dọn dẹp, thì với nguồn lực tài chính cải thiện mạnh những năm gần đây, các ngân hàng có đủ sức xử lý nợ xấu mới phát sinh. Thế nhưng, Covid-19 xảy ra khiến khối nợ này lại dềnh lên, nguy cơ hình thành “cục máu đông” mới. Nghị quyết 42 dù còn hiệu lực 1 năm nữa, song lại không có tác dụng trong việc xử lý các khoản nợ mới phát sinh.
Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ là đầu mối tập hợp thông tin về các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng (TCTD) mong muốn đưa lên giao dịch tại sàn. Nguồn hàng cung cấp cho sàn giao dịch nợ gồm 2 nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Nguồn hàng này ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng và sẽ được đưa lên lên giao dịch ngay sau khi sàn giao dịch nợ ra đời. Nguồn thứ hai là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Trước khi giao dịch khoản nợ xấu này, phải có sự thống nhất giữa VAMC và các TCTD về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ xấu nào được thỏa thuận bán cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch nợ…
Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu hiện hữu và tiềm ẩn đang trở thành mối đe dọa của các ngân hàng, bất chấp thông tin lợi nhuận khủng. Khối nợ khổng lồ này đang mắc kẹt và có nguy cơ dềnh lên bởi thị trường mua bán nợ trầm lắng và nằm “ngoài vùng phủ sóng” của Nghị quyết 42. Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt hơn trước. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 (66% số nợ) nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (24%) bán cho VAMC (22%). Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực. Mặc dù vậy, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn hàng chục vướng mắc, ví dụ chưa có vụ việc nào được Tòa án xử lý theo quy trình rút gọn, quá trình thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng hoặc sang tên tài sản đảm bảo nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn…
NHNN đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm cả xử lý nợ xấu.
Cương Nguyễn