Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia, ghi nhận nhiều kỷ lục.
Năm 2021, VN-Index tăng 35,7%, đứng thứ 6 trong số các năm tăng điểm mạnh nhất lịch sử. Giá 463/1724 cổ phiếu tăng hơn 100% trong năm qua.
Tính cuối năm 2021, vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021. Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán tương đương 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.
Số liệu thống kê cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 84.000 tỷ đồng trong 11 tháng của năm 2021, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới. Theo Công ty Chứng khoán VCBS, năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, song xu hướng chung vẫn là đi lên. VCBS dự báo, năm 2022, VN-Index có thể lên tới 1.580 – 1.600 điểm.
Dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa ví von, dòng tiền đổ vào chứng khoán hiện nay giống như “dòng tiền điên” với sự tham gia của quá nhiều nhà đầu tư cá nhân. Thị trường chứng khoán không còn bị tác động bởi quan hệ cung – cầu, mà bị chi phối bởi lòng tham và nỗi sợ hãi. Lòng tham hiện nay như lớp băng mỏng, che lấp nỗi sợ hãi. Chuyên gia này cảnh báo, một ngày nào đó, lớp băng này vỡ, nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫm đạp lên nhau tháo chạy và người hưởng lợi nhất khi đó sẽ là nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhà đầu tư ngoại đã hưởng lợi từ “dòng tiền điên”, liên tục bán ròng chốt lời và đang đợi cơ hội gom hàng giá rẻ. Dù thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, song lợi nhuận từ kênh đầu tư này sẽ khó khăn hơn nhiều so với nửa đầu năm 2021 do dòng tiền sẽ bị phân hóa.
TTCK tăng trưởng nhanh, nên xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, chứng khoán có phần tăng nóng, lệch pha với kinh tế thực. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 2,58%, nhưng chứng khoán tăng tới 35%. Năm 2021, nhiều cổ phiếu tăng giá 100-400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong một tháng, dù kết quả kinh doanh không nổi bật. Cổ phiếu mệnh giá “trà đá” gần như bị xoá sổ.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định, năm 2021, TTCK tăng trưởng vượt xa mọi dự đoán của cơ quan quản lý, nhưng không quá bất thường. Không riêng Việt Nam, nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu có xu hướng kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do COVID-19.
Nhận định về cơ hội, triển vọng TTCK năm 2022, nhiều công ty chứng khoán chung quan điểm, VN-Index sẽ vượt 1.500 điểm và tiến xa hơn nữa. Sự chú ý của giới phân tích đầu tư đổ dồn vào các ngành kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, thị trường, đồ uống…
“Sắp tới chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay trở lại của cổ phiếu cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ trở lại dẫn dắt thị trường. Theo chu kỳ tâm lý, sau thời gian tìm đến cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao, đây là thời điểm nhà đầu tư đi tìm những cổ phiếu an toàn để bảo toàn lợi nhuận tích luỹ được trước đó”, TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln (Anh) nhận định.
Chứng khoán cũng là kênh đầu tư hưởng lợi bởi lãi suất thấp và các chương trình kích thích đầu tư, phục hồi kinh tế. Quá trình đẩy nhanh thoái vốn nhà nước và triển vọng nâng hạng thị trường cũng khiến nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào kênh đầu tư này. Khác với bất động sản, đầu tư chứng khoán không đòi hỏi vốn quá lớn, nên thu hút đông đảo nhà đầu tư. Dù định giá cổ phiếu không còn rẻ, song vẫn có cơ hội để rẻ hơn nếu doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Thời gian qua, phần lớn nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại… đang đổ dồn đầu cơ vào một số lĩnh vực có rủi ro cao, nguy cơ hình thành “bong bóng” cho nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua cũng đã xuất hiện sự tăng nóng, với nhiều phiên giao dịch tỷ đô. Tuy nhiên, nếu không kịp thời có biện pháp hạn chế tình trạng đầu tư lướt sóng, theo phong trào, thì các nhà đầu tư không chuyên có thể chịu thiệt hại, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Dịch bệnh kéo dài, công việc ít, lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều nhóm bạn bè rủ nhau đầu tư tiền tạm thời nhàn rỗi vào chứng khoán. Chỉ tính riêng tháng 11 vừa qua, số tài khoản chứng khoán mở mới đã bằng cả năm 2019 khiến thị trường đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững và hiện tượng bong bóng. Hậu quả là thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nóng và chứa đựng không ít yếu tố bất ổn. Nhiều doanh nghiệp nguy cơ thua lỗ nặng, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng gấp 5 – 10 lần, thậm chí có những cổ phiếu vượt xa giá trị thực cả 100 lần.
Tổng Hợp