Rất có thể dòng tiền từ các nhà đầu tư chứng khoán, vàng, tiết kiệm… sau khi chững lại sẽ đổ vào bất động sản. Nhìn lại trước thời điểm cơn sốt đất diễn ra ở các địa phương, thì đến khoảng 30-40% các NĐT đến từ các nguồn lực khác nhau đổ tiền vào BĐS.
Theo một chuyên gia trong ngành từ thời điểm 2020 có đến 70% các NĐT đầu tư tham gia thị trường BĐS đến từ NĐT F0, nghĩa là bên cạnh các NĐT BĐS mới thì phần lớn đến từ các kênh đầu tư khác “nhảy vào” BĐS như chứng khoán, tiết kiệm, vàng…
Lượng NĐT F0 vào thị trường khá đông nhưng cũng nhanh chóng rút lui do thị trường hạ nhiệt. Các đối tượng này có kẻ thắng, người thua trong cơn sốt. Theo các chuyên gia, những người thua có thể chần chừ vào thị trường trong các đợt tiếp theo, nhưng với những NĐT thu lợi nhuận cao trong cơn sốt vừa qua sẽ tiếp tục chờ cơ hội để bỏ tiền vào BĐS. Như một chuyên gia trong ngành nhận định, chứng khoán và BĐS là hai bình thông nhau về dòng vốn đầu tư, BĐS luôn đi sau chứng khoán 1 nhịp. Khi BĐS chậm lại, dòng tiền đổ về chứng khoán mạnh hơn để tìm kiếm những kênh chốt lời nhanh, linh hoạt. Sau thời kỳ chứng khoán thăng hoa, một lượng lớn dòng vốn chốt lãi từ chứng khoán sẽ đổ vào BĐS để giữ tiền, còn gọi là xu hướng hiện thực hóa tài sản. Mặt khác, nếu thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn.
Đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có ít tiền thì nên đầu tư chứng khoán tốt hơn là đầu tư nhà đất. Nhưng nếu ít tiền mà vẫn muốn đầu tư nhà đất thì có thể lựa chọn những cổ phiếu BĐS. Nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều tiền, chưa kể có khả năng sử dụng được đòn bẩy tài chính tốt hơn đối với thị trường BĐS.
Nhà đầu tư F0 có những quyết định đầu tư theo phong trào, cảm tính, thậm chí “bốc đồng” và đi kèm với mong muốn kiếm tiền nhiều và nhanh. Khi thị trường đột ngột “nguội lạnh”, cũng là lúc họ không có thể có các phương án phù hợp, đành chịu “găm” hàng mà không biết khi nào có thể tìm ra người để bán lại. Ngoài ta, tính thanh khoản của bất động sản mà nhà đầu tư F0 mua cũng có thể không cao (do bị “thổi” giá khiến giá bán lại quá cao so với giá trị thực của bất động sản). Nhiều dự án cũng được chủ đầu tư chia thành nhiều giai đoạn và việc bán lại có thể bị các quy định hạn chế, không thể tiến hành ngay được. Sau khoảng lặng của thị trường BĐS, nhiều dự báo có thể sẽ tiếp tục “nung nấu” cơn sốt cục bộ diễn ra vào cuối năm hoặc đầu năm sau, tuy nhiên không phải dạng nóng sốt điên cuồng như đợt đầu năm.
Phần lớn các nhà đầu tư F0 này lựa chọn phân khúc đất nền trong khu đô thị hạ tầng kết nối giao thông tốt, giá mua được ở mức hợp lí, đồng thời không phải chịu áp lực lãi vay do dùng đòn bẩy tài chính thì không chịu ảnh hưởng lớn. Còn với những nhà đầu tư F0 quá tập trung vào các khu vực tăng trưởng nóng và mua với giá quá cao so với giá trị thực của thửa đất thì có thể gặp khó, nhất là với những nhà đầu tư F0 quyết định vội vàng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Kiên Cương