“Tây y” nghĩa là những hành động của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương gắn với từng dự án cụ thể, có thể thực hiện ngay. Và “đông y” – chính là sửa đổi thể chế, pháp luật, tạo “sức khỏe” dài hạn cho thị trường đòi hỏi phải có thời gian…
Những phản ánh và phân tích tại hội nghị một lần nữa cho thấy vướng mắc pháp lý và khó khăn về vốn là hai nguyên nhân chính đẩy thị trường bất động sản vào tình cảnh hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hơn 50% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến yếu tố pháp lý. Con số Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra trước đó là 70%, chủ yếu do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Do vướng ở khâu này, nhiều dự án bất động sản không được triển khai hoặc rơi vào cảnh đang triển khai thì phải dừng lại. Lại có những dự án gần hoàn thành nhưng không đủ căn cứ pháp lý để đưa ra tiêu thụ hoặc đưa ra tiêu thụ nhưng không được công nhận quyền tài sản.
Đáng nói là, như phản ánh của doanh nghiệp, sự ách tắc pháp lý đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ làm doanh nghiệp gia tăng chi phí, đánh mất cơ hội làm ăn mà còn là một trong những yếu tố dẫn đến mất cân đối cung cầu (do các dự án nhà ở thương mại không thể được khởi công).
Trong báo cáo gửi đến hội nghị hôm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đều đã chỉ rõ vướng mắc cụ thể nằm ở đâu, trong các văn bản nào. Có thể thấy có những vướng mắc từ những quy định trong các thông tư của các bộ, nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng có những vướng mắc do quy định trong các luật khác nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tiến hành sửa đổi các quy định sao cho đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế là giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cốt lõi cho các doanh nghiệp bất động sản và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn. Dù vậy, việc này chắc chắn cần nhiều thời gian, cần tiến hành liên tục và chỉ cho tác động dài hạn – như các phương thuốc “đông y” có ý nghĩa “bồi bổ” cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.
Do đó, bên cạnh phương thuốc “đông y” như thế, cần có những toa thuốc “tây y” để phù hợp với tình huống cấp bách hiện nay của thị trường. Chẳng hạn, Chính phủ có thể thí điểm tập trung tháo gỡ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Qua đó, tạo niềm tin và cú hích cho thị trường. Các địa phương cũng có thể áp dụng cách làm này. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, dự án cần rõ ràng và nên tập trung vào các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội…
Liên quan đến khó khăn về vốn, thay vì cào bằng mức độ rủi ro của các phân khúc bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh lại hệ số rủi ro với từng phân khúc khác nhau như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản cao cấp… – theo sự phân chia của Bộ Xây dựng để có mức lãi suất phù hợp với từng phân khúc. Như vậy sẽ tránh được việc áp lãi suất cao với tất cả phân khúc như hiện nay, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và hỗ trợ người dân có nhu cầu mua nhà để ở.
Tương tự, các ngân hàng thương mại cũng nên xem xét cụ thể từng chủ đầu tư, từng dự án thay vì cào bằng tất cả. Dự án nào có triển vọng tốt thì nên mở rộng tín dụng; với những doanh nghiệp “xác sống” và các chủ thể mua bất động sản đầu cơ thì kiên quyết nói không.
Nếu thị trường bất động sản không may sụp đổ, cả nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả. Vì thế, tìm cách gỡ khó cho thị trường này cũng chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, đồng thời là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án dở dang.
Tổng Hợp
(Đại Biểu Nhân Dân)