Nhiều ngân hàng thương mại ước tính, nợ xấu sẽ tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng nếu Thông tư 03 không được sửa đổi, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng vọt lên trên mức 2% vào cuối năm nay.
Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng. Dự thảo sửa đổi giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng, quy định này là rất bất cập.
Với khoản cho vay trung, dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn, mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nên sẽ tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, chứ không nên quy định là tối đa 12 tháng. Quy định hiện Thông tư 03 sẽ làm méo mó dòng tiền.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 theo hướng khách hàng sẽ được cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022 được nhiều ngân hàng thương mại ủng hộ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, dù chưa gỡ hết tất cả vướng mắc, nhưng Dự thảo Thông tư sửa đổi sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ thở hơn, OCB sẽ căn cứ theo thông tư sửa đổi để tiến hành cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, quy định như Dự thảo là “tạm chấp nhận được”, vì ngân hàng đang trong cảnh “ném đá dò đường”, chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Trước mắt, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, quy định như Dự thảo là chưa thể gỡ khó cho ngân hàng, doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lý do khiến cơ quan này đưa ra thời điểm 1/8/2021 và 30/6/2022 là dựa trên kế hoạch của Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng quốc gia (phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022) và Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 6/8/2021. Nghị quyết đã đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021. Mặc dù vậy, các ngân hàng thương mại cho rằng, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát, thì doanh nghiệp cũng mất ít nhất 1 năm để có thể vực lại sản xuất. Chưa kể, dịch bệnh có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào.
Tĩnh Kiên