Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nhược điểm một phần là do các tổ chức trung gian không làm tròn vai trò. Cùng với tiến trình lành mạnh hóa thị trường, cơ quan quản lý cần thực hiện đợt thanh, kiểm tra tại các công ty chứng khoán có thị phần lớn trong mảng trái phiếu doanh nghiệp.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nhược điểm một phần là do các tổ chức trung gian không làm tròn vai trò. Cùng với tiến trình lành mạnh hóa thị trường, cơ quan quản lý cần thực hiện đợt thanh, kiểm tra tại các công ty chứng khoán có thị phần lớn trong mảng trái phiếu doanh nghiệp.
Đơn cử, ở Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS), tuy là công ty dẫn đầu thị trường ở mảng trái phiếu doanh nghiệp, nhưng TCBS lại hướng dẫn nhà đầu tư “lách luật” xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng cách đặt lệnh mua một số lượng trái phiếu niêm yết do TCBS tính toán và gợi ý nhằm đạt tổng số dư nắm giữ sau khi mua là 2 tỷ đồng. Sau 2 ngày làm việc, hệ thống sẽ tự động bán lại trái phiếu đã mua ở trên để hoàn lại tiền cho khách hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TCBS đã phân phối 21.250 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, với gần 80.000 khách hàng.
Quan tâm đến vấn đề giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đặt câu hỏi: “Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa?”.
“Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng”, ông Phước nói và cho rằng, để phát triển thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, thì Việt Nam cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.
Chia sẻ quan điểm này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đặt bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có mức độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp và quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.
Với Nghị định 65/2022/NĐ-CP mới được ban hành, Điều 39 về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cụ thể hơn, bao gồm trên cơ sở quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, báo cáo của đại diện người sở hữu trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành thanh tra, kiểm tra Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Dù vậy, với các quy định trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chỉ có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ dựa trên báo cáo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khi phát hiện doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin; qua kiểm tra các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán; từ phản ánh qua các kênh báo chí, diễn đàn nhà đầu tư…
Có ý kiến đề cập đến trách nhiệm giám sát của Bộ Tài chính, song theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo pháp luật về kiểm toán và pháp luật về giá.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định thêm, các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.
Hiện có hơn 1 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và tới đây có thể thêm một lượng lớn trái phiếu nữa được đưa ra thị trường, nhưng lại chưa có cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm giám sát tổng thể thị trường này.
Tổng Hợp