Trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân, cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/11/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2% so với cuối năm 2021 và tăng so mức 11,5% cuối tháng 10. Trong khi đó, huy động vốn của ngành ngân hàng đến cuối tháng 9/2022 chỉ tăng 4,6%.
Chênh lệch tín dụng và huy động âm cộng với nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm khiến mặt bằng lãi suất tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc chạy đua lãi suất huy động thời gian qua cũng đã cho thấy mức độ căng thẳng khi các ngân hàng phải tăng cường bù đắp nguồn vốn cho phần cho vay trong 9 tháng đầu năm cũng như áp lực thanh khoản cuối năm.
Thực tế, theo báo cáo của các ngân hàng, chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuống mức âm kể từ tháng 7/2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) tại nhiều nhà băng tăng cao.
Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, áp lực cân đối vốn từ phía các ngân hàng rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn hầu như chưa được cải thiện. Tính đến cuối quý III/2022, tỷ lệ LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN (bao gồm cả tiền gửi liên ngân hàng) được giữ ở mức thấp hơn 85% (đây là mức tối đa cho phép), nhưng tỷ lệ LDR thuần (tính riêng thị trường 1) vượt quá 99%.
Tỷ lệ LDR cao cho thấy khả năng sinh lời cao, nhưng đồng thời rủi ro thanh khoản tăng theo. Một số ngân hàng có tỷ lệ LDR cao hơn 85% là BIDV, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank, Saigonbank; tỷ lệ LDR thuần cao hơn 100% là MSB, Techcombank, VIB, VPBank.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 – 2%, lên 15,5 – 16%, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của thị trường. Tuy nhiên, sự gia tăng của tỷ lệ LDR trong thời gian qua cho thấy các ngân hàng đang đứng trước bài toán khó về cân đối vốn.
Kèm trong thông báo nới room tín dụng, cơ quan quản lý cho biết, sẽ hỗ trợ thanh khoản để các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng. Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, được nới room tín dụng, nhưng ngân hàng vẫn khó huy động nguồn tiền nhàn rỗi, cũng khó có thể đẩy mạnh cho vay dịp cuối năm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, với tình trạng hồ sơ tín dụng xếp hàng như hiện nay, dư địa khoảng 200.000 tỷ đồng từ nới room tín dụng nếu được cấp ra nền kinh tế có thể nhanh chóng được hấp thụ, chủ yếu đi vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) vẫn còn cao khi bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn chưa có nhiều cải thiện.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm, có tình trạng ngân hàng huy động 100 đồng, cho vay đến 90 đồng.
Theo TS. Thành, từ đầu năm 2022 đến đầu quý III/2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn kỳ vọng rất nhiều. Trong quá trình phục hồi đó ẩn chứa một số vấn đề như hệ thống ngân hàng xuất hiện tình trạng “căng thẳng” thanh khoản. Trong bối cảnh có nhiều áp lực từ bên ngoài và bên trong, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất điều hành hai lần, chấp nhận nguy cơ VND mất giá sâu hơn so với USD (VND gần đây tăng giá, nhưng trước đó có thời điểm mất giá gần 9% so với cuối năm 2021). Thế nhưng, trong hơn 3 quý đầu năm 2022, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động của nhiều ngân hàng tăng so với đầu năm đã làm tăng thêm áp lực cho các nhà băng trong thời điểm thị trường đang khát vốn.
Cuộc đua huy động vốn của các ngân hàng tiếp tục nóng trong thời gian gần đây khi không ít nhà băng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm như NCB, OCB, Techcombank, Bac A Bank, SHB…
Trong đó, NCB là một trong những ngân hàng nâng lãi suất huy động lên trên 10%/năm. Cụ thể, hình thức gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên có lãi suất cao nhất là 10,1%/năm dành cho khách hàng mới, 9,9%/năm dành cho khách hàng cũ; các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Đối với hình thức gửi tại quầy, mức lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cao nhất là 9,7%/năm.
Đáng lưu ý, ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, do áp lực thanh khoản cuối năm nên theo phản ánh đã xuất hiện tình trạng thỏa thuận lãi suất ngoài, với biên độ cộng thêm 1 – 2%/năm so với bảng lãi suất niêm yết. Hiện có ngân hàng chào mức lãi suất huy động 13,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 12,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, gần gấp đôi so với cuối năm 2021.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tăng nhanh có thể dẫn đến rủi ro nợ xấu phát sinh trong tương lai. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Văn bản 8728/NHNN, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho cơ quan này. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ Hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Bizlive)