Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sáng nay 24/6, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết căn nguyên của vấn đề nghẽn lệnh ở HOSE đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là nhận thức còn hạn chế và triển khai chưa quyết liệt.
Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) là thị trường chứng khoán tập trung đầu tiên của nước ta, bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2000, tức là đến nay đã được 21 năm.
Có hay không sự can thiệp chủ quan của nhà điều hành (rút phích) khi thị trường ở trạng thái căng thẳng nào đó? Phản ứng chính sách và chỉ đạo tiến trình xử lý kỹ thuật từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước? Đâu là khó khăn nhất trong việc đưa ra giải pháp cho thị trường thời gian qua?…Vì sao nhà đầu tư không được sửa, hủy lệnh trong một số phiên gần đây? HOSE có giám sát và biết được việc có hay không tình trạng mất công bằng trong sửa, hủy lệnh giữa các nhà đầu tư với nhau, các công ty chứng khoán với nhau, hay giữa tự doanh của công ty chứng khoán với khách hàng của công ty?
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên nhân gây nghẽn lệnh ở HOSE là rất nhiều, có thể do dòng tiền ồ ạt chảy vào quá mạnh, số lượng tài khoản tăng đột biến, hệ thống không đáp ứng được, … Có nhân tố thuộc về chủ quan cũng như những yếu tố khách quan, “nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi vì không cung cấp được dịch vụ đầy đủ cho nhà đầu tư đóng phí”, Chủ tịch Chứng khoán SSI khẳng định.
Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho rằng Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cũng phải nhận một phần lỗi. Ông Hưng cho biết ông đã nhiều lần trao đổi với ông Hải Trà để tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ tình trạng nghẽn lệnh, bao gồm việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100. Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cũng nhận thức rằng các tổ chức quản lý thị trường “không thể bắt nhà đầu tư đặt ít lệnh đi được” vì đó là quyền lợi của mỗi người. “Trong hoàn cảnh hiện nay khi hệ thống đang quá tải, có thể khuyến khích nhà đầu tư chưa nên sử dụng robot trong giao dịch, nhưng không thể giữ mãi như thế, phải coi nhu cầu giao dịch đó là động lực để xây dựng thị trường phát triển tốt hơn, thanh khoản giao dịch cao hơn”.
Dù vậy, hệ thống giao dịch của HOSE hiện nay là do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp từ năm 2000, HOSE không thể tự can thiệp nếu cần thay đổi. Khi thị trường liên tiếp xảy ra quá tải, nghẽn lệnh từ tháng 12/2020 đến nay, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao trong suốt 20 năm qua HOSE không thể tự làm chủ được hệ thống công nghệ?
Ông Dũng chia sẻ: Khi HOSE bắt đầu đi vào hoạt động năm 2000, cá nhân ông hiểu khá rõ về chức năng và mô hình tổ chức của thị trường chứng khoán nói chung nhưng không nắm rõ về hệ thống giao dịch. “Lúc đó ở Việt Nam hầu như không có ai hiểu rõ về công nghệ giao dịch”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói. Vào tháng 7/2000, HOSE chỉ có hai mã cổ phiếu niêm yết là SAM và REE. Khi đó, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai dự án hệ thống giao dịch nhưng HOSE chưa làm ngay vì không ai biết rõ về hệ thống và nhu cầu mua bán của nhà đầu tư còn thấp. Đúng lúc đó thì Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ một hệ thống giao dịch. “Cơ quan quản lý muốn có một hệ thống hiện đại, rất cầu toàn và yêu cầu cao nhưng nhận thức còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm nên khi triển khai còn khó khăn”, ông Dũng thẳng thắn chia sẻ. Đến khoảng năm 2008, thanh khoản giao dịch tại HOSE bắt đầu lên cao nhưng do ký được hợp đồng bảo trì, nâng cấp hệ thống với phía Thái Lan nên cả Ủy ban Chứng khoán và HOSE lại không quyết liệt triển khai hệ thống mới, ông Dũng nói. Sau đó, HOSE ký hợp đồng với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để xây dựng một hệ thống giao dịch hiện đại hơn so với hệ thống cũ kỹ của Thái Lan.
Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết ông không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi, vừa phải xin lỗi nhà đầu tư, vừa xin lỗi các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà báo, … những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc với ông để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng ông không trả lời hết được.
HOSE “đu đơ” không chỉ gây bức xúc cho nhà đầu tư khi giao dịch mà còn được đánh giá là thiệt hại cho các công ty chứng khoán, thậm chí là cả HOSE. Nghẽn lệnh tại HOSE cũng trở thành từ khóa hot trên các công cụ tìm kiếm.
Tĩnh Kiên