Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra kém vui với cách điều hành xuất khẩu gạo vừa rồi, cho rằng cách điều hành là lúng túng, vội vàng dẫn đến lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trong việc thực thi một số chủ trương, chính sách, pháp luật có lúc, có lĩnh vực chậm đi vào cuộc sống. Một số vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhưng chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa cao như đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; công tác an toàn thực phẩm; triển khai thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng…
Cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp…
“Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương một số nơi bị buông lỏng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao” – ông Dũng thừa nhận.
Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá báo cáo khá đầy đủ, tuy nhiên có những nội dung báo cáo chưa nói đậm.
“Riêng xuất khẩu gạo vừa rồi, chúng ta lúng túng, làm khó khăn quá. Tôi đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Báo cáo thống kê lại quá trình diễn biến, chúng ta lúng túng, đưa ra vội vàng dẫn đến lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa như thế nào thì phải xem lại” – bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nhiều dự án đầu tư, người ta đang làm, vướng thủ tục hành chính tại các thành phố lớn. “Người ta chết lên chết xuống, người ta nói nếu không giải quyết thì phá sản; mỗi ngày dừng, người ta tốn bạc tỷ nhưng không ai dám giải quyết hết. Thế thì cái đó có lãng phí không?”, bà Ngân nói.
“Cả năm 2019, TP.HCM chỉ cấp giấy phép được có một dự án là do cái gì? Bao nhiêu dự án đã được cấp giấy phép đình trệ không làm được, không cho làm thì trách nhiệm do đâu, có lãng phí chỗ này không, lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bà Ngân cũng đánh giá “bây giờ lễ hội quá nhiều”. Theo bà, tuy các lễ hội không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, của doanh nghiệp, tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân. “Không dùng tiền ngân sách nhưng vẫn dùng nguồn lực của xã hội mà lẽ ra cái đó để làm cái khác. Vậy thì vẫn là lãng phí” – bà nói và dẫn chứng bắn pháo hoa nhiều quá, bắn trong thời gian dài quá thì tốn tiền của các nhà tài trợ.
“Lẽ ra xin tiền tài trợ đó để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo hay huy động để người ta tham gia ứng phó biến đổi khí hậu thì chúng ta lại huy động sức đó để bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội rất to, thành phong trào. Tỉnh nào cũng có cái này” – bà nói và đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong hoạt động lễ hội. “Tất cả nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của nhân dân thì được, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ như thế” – Chủ tịch Quốc hội nói.