“Gia Lai là tỉnh đã âm thầm vươn lên áp sát top 10 tỉnh thành trong nước dự kiến tăng trưởng tốt nhất năm nay, thu hút hơn 64 nghìn tỷ vốn đăng ký đầu tư trong 5 năm gần nhất” Trịnh Văn Quyết.
Mới đây, đã diễn ra buổi toạ đàm kết nối đầu tư do tỉnh Gia Lai phối hợp với câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.
Tại đây, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, vị thế, tiềm năng của Gia Lai là vô cùng to lớn. “Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, đất đai… của tỉnh Gia Lai”, ông Quyết nhận định.
Trong năm 2021, FLC cam kết sẽ khởi công dự án sân golf huyện Đak Đoa. Gia Lai là địa điểm có điều kiện về tự nhiên, khí hậu, dân số rất tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có. “Tôi là người “tiên phong” đánh thức “Hoa hậu Gia Lai”, tôi mong những năm tiếp theo, các doanh nhân, du khách sẽ biết đến Gia Lai nhiều hơn. Tôi cam kết đến năm 2021-2022, FLC sẽ quảng bá con người, cảnh quan cũng như tiềm năng của tỉnh Gia Lai và tôi cho rằng, Gia Lai là tỉnh dễ “đánh thức” hơn nhiều tỉnh thành khác vì đã có sẵn tiềm năng”, ông Quyết nói.
Sau buổi toạ đàm, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ trên trang Facebook của mình, “Một nàng tiên đang ngủ” là quan điểm của tôi về tiềm năng của Gia Lai – tỉnh có diện tích lớn thứ nhì Việt Nam, nằm tại khu vực Tây Nguyên.
Sự tác động của công trình đến thiên nhiên
Theo văn bản do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 24/12, báo chí thông tin, nhiều chuyên gia cảnh báo việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) phải chuyển đổi hàng trăm ha rừng, trong đó gần 156 ha rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự án xây dựng sân golf Đak Đoa thuộc địa bàn các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa. Đây là dự án được tỉnh Gia Lai chào đón, ủng hộ vì những lợi ích lớn trong quá trình phát triển.
Khu vực dự kiến làm sân golf Đak Đoa trên phần diện tích hơn 174 ha, trong đó diện tích đất có rừng 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha. Dự án sẽ nằm trên một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976 đến nay và không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.
Trước đó, thông tin về việc Tổng Cục Lâm nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản số 1878, yêu cầu tỉnh Gia Lai cân nhắc thận trọng việc xây dựng sân golf Đăk Đoa vì nếu xây dựng sân golf này thì phải chuyển mục đích sử dụng 174,01 ha đất rừng, làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm.
Văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ: Thời gian qua, sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội, các chuyên gia đặt vấn đề có ảnh hưởng từ việc giảm diện tích rừng, làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.
Cũng theo cơ quan này, tờ trình thẩm định xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf của tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo.
Liệu có xảy ra tình trạng đổi rừng lấy sân golf để phát triển du lịch như mong muốn của lãnh đạo tỉnh này?