Thị trường nhà phố cho thuê tại Tp.HCM đang đối diện nhiều thách thức giữa làn sóng dịch Covid-19. Với chuyển biến thị trường nhà phố sau 3 lần đối diện với Covid-19, đợt bùng dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh mạnh được dự đoán không chỉ là cú đấm thép tác động mạnh nhất đến tình hình kinh tế xã hội, mà còn là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố, Chủ nhà giảm 40% có nơi đến 60% giá thuê mặt bằng nhưng vẫn ế.
Thống kê từ thị trường năm 2020 đến nay cho thấy, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí và thời trang, nhất là các chuỗi cửa hàng, đang là những ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kì đại dịch. Nhóm ngành vui chơi giải trí dù chịu thiệt hại nặng nhưng đa số nhóm này nằm trong mặt bằng Trung tâm Thương mại nên cũng được các Chủ đầu tư lớn hỗ trợ tương xứng hơn nếu so sánh với nhà phố.
Song, về dài hạn, để giảm tổn thất lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, đồng thời tiến hành trả nhiều mặt bằng kinh doanh không hiệu quả để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công.
Làn sóng thứ 4 của covid-19 vào tháng 5/2021, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng do những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử. Trải qua 3 đợt bùng phát Covid-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc BĐS bán lẻ tại Tp.HCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỉ lệ lấp đầy, nguồn cung mới hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động. Nhiều thương hiệu bán lẻ hoạt động trong các lĩnh vực ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch mở rộng với những tín hiệu lạc quan. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.
Từ đó dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ: nhà phố căn góc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, còn những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (Quận 1), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít. Có thể thấy, chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20-40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Tp.HCM đã có sự hội phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao 12% trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý 1/2021 so với cùng kì năm trước. Thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại, và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng: họ có thể lựa chọn các trung tâm thương mại để mở các cửa hàng vật lý tận dụng sự tác động tương hỗ và nguồn khách mua sắm cao, hoặc tăng cường chiến lược tiếp thị và bán hàng trực tuyến khi lưu lượng khách tiêu dùng trên các kênh kinh doanh trực tuyến tăng mạnh trong thời qua và dự báo tiếp tục trong thời gian tới.
Khi các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, buộc phải đóng cửa hàng loạt dưới tác động của hạn chế du lịch trong và ngoài nước, ngành mua sắm thời trang, mỹ phẩm, và ăn uống cũng bị ảnh hưởng không ít.
Kiên Cương