Hết thời hét giá, chủ đất và môi giới cùng bị ép giá. Thực tế, hiện nay, tâm lý của nhiều nhà đầu tư đất là nghe ngóng và chờ đợi giá đất tiếp tục giảm, do đó, gần như việc xuống tiền là không xảy ra.
Theo anh Nguyễn Văn Công – một chủ sàn môi giới bất động sản ở Hà Nội – cho biết, hiện tại, thị trường bất động sản khu vực Hà Nội đã có phần đỡ trầm lắng hơn những tháng cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua chưa thực sự lớn, trong khi đó, số lượng người cần bán nhà đất thì tăng cao hơn.
“Không ít chủ đất đang đứng trước các áp lực về tài chính buộc phải bán do khoản vay nợ đến kỳ phải trả. Giá đất có xu hướng đi ngang và giảm, chỉ có số ít lô đất có vị trí đẹp thì vẫn được chủ đất kỳ vọng bán có lãi”, anh Công nói.
Cũng theo anh Công, hiện tại, văn phòng anh đang có hàng chục lô đất nền được gửi bán. Anh thừa nhận văn phòng anh cũng chỉ dám nhận những lô đất có vị trí không quá xấu và giá phải giảm.
“Khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022, để tìm đất cho khách hàng, nhân viên văn phòng của tôi đã phải tới gõ cửa từng chủ đất để hỏi mua. Lúc đó, gần như chủ đất nào cũng đưa ra mức giá rất cao so với giao dịch được chúng tôi kết nối trước đó, nhưng hiện tại mọi thứ đã đảo chiều”, anh Công nói.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) – cho biết, nhìn chung quý III vừa qua giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng đến chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại… Hiện tượng “sốt đất”, “bong bóng” gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như đã bị triệt tiêu.
Theo đà tăng giá, “sốt đất” từ cuối năm 2021, nhiều NĐT đã mạnh tay vay vốn để xuống tiền “lướt sóng” đất nền với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thế nhưng đến giữa năm 2022, nhiều NĐT đã vỡ mộng khi thị trường đất nền đột ngột “xì hơi”. Hiện nay, tình trạng chung của nhiều NĐT đó là chôn vốn, đồng thời gồng mình trả lãi vay ngân hàng, trong khi thị trường đất nền trong xu hướng xuống giá.
Ông Phạm Lâm – Tổng Giám đốc DKRA Group nhận định, đầu năm 2022 đã có dấu hiệu sốt đất cục bộ ở 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) khi 2 địa phương này có thông tin được quy hoạch lên thành phố, mức tăng ghi nhận từ 15 – 25% trong hơn 1 tháng. Hiện, giá bán đất nền dự án giảm đến 21% so với tháng 12/2021. Riêng mặt bằng giá đất nền hộ lẻ ghi nhận mức giảm đến 25% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, nhà đất các tỉnh giáp ranh TP.HCM như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có thể giảm giá từ 10 – 20% trong 12 tháng tới.
“Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường đất nền sụt giảm. Đầu tiên là sự tăng cường kiểm soát tín dụng vào BĐS. Doanh nghiệp BĐS gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ trái phiếu và vay ngân hàng, dẫn đến nguồn cung giảm. Lãi suất cho vay BĐS hiện dao động từ 11 – 15%/năm. Trong khi đó, những NĐT có sử dụng đòn bẩy tài chính chịu áp lực lãi vay ngày càng lớn khi lãi suất tăng mạnh. Kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập bị sụt giảm khiến NĐT phải chấp nhận giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để có thể bán BĐS ra thị trường” – ông Lâm phân tích.
Anh Hiền (TP.HCM) cho biết: “Tôi đang cần bán lô đất nền tại Bình Dương mua từ tháng 11/2021. Lô đất này, tôi mua để “lướt sóng” kiếm lời. Tháng 3/2022, có khách đã trả giá lô đất cao hơn 150 triệu đồng so với giá ban đầu nhưng nghĩ thị trường đang “nóng”, tôi không bán vì muốn kéo dài thêm vài tháng để kiếm lời hơn nữa”.
“Thế nhưng, đến giữa năm 2022, thị trường đột ngột hạ nhiệt, thanh khoản giảm sâu. Lúc này cũng là thời điểm lãi suất ngân hàng dần tăng cao nên tôi vội vàng rao bán đất. Ban đầu, tôi rao bán lô đất cao hơn giá mua 200 triệu đồng, rồi giảm về giá vốn, và đến nay, tôi chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn chưa thoát được hàng”, anh Hiền nói.
Theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường BĐS chắc chắn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, NĐT cần cân nhắc kỹ việc tiếp tục rót tiền vào sản phẩm nào, thậm chí NĐT không nên cố gồng giữ tài sản chờ lên giá. Nếu quá nhiều rủi ro, lời khuyên là NĐT nên mạnh dạn “cắt lỗ”. Có một thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều NĐT đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12 – 14%/năm, gây nên những áp lực rất lớn, không ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi, cực kỳ nguy hiểm. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là phải giảm giá.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Tài Nguyên Môi Trường)